Hôm 25-1 Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đơn vị trực thuộc Liên Hợp Quốc, cho biết đại dịch COVID-19 đã cướp đi gần 255 triệu việc làm trên thế giới trong năm 2020, theo đài Channel News Asia.
Việc làm bị mất nhiều gấp 4 lần khủng hoảng 2009
Trong thống kê mới nhất, ILO đã chỉ ra rằng 8,8% số giờ làm việc toàn cầu đã bị mất đi trong năm 2020, so với quý bốn năm 2019.
Con số đó tương đương với 255 triệu việc làm toàn thời gian, gấp bốn lần so với hệ lụy từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Trụ sở Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Ảnh: The Genenva Group.
ILO cũng cho biết với số giờ làm việc bị mất đi như vậy đã khiến thu nhập toàn cầu giảm 8,3%, tương đương với 3.700 tỉ USD hay khoảng 4,4% GDP toàn cầu.
Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nói rằng: “Đây là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất đối với thị trường việc làm kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1939”.
ILO giải thích rằng khoảng một nửa số giờ làm bị cắt giảm nói trên là số giờ làm việc bị rút ngắn của những người còn làm việc. Tuy nhiên, thế giới cũng chứng kiến “số lượng việc làm bị mất đi tăng chưa từng có” trong năm 2020.
Trong năm 2020, tỉ lệ thất nghiệp toàn cầu là 6,5%, tương đương 220 triệu người, tăng 1,1% tương đương với 33 triệu người so với năm 2019.
Ngoài ra, ông Ryder nhấn mạnh rằng 81 triệu người khác không đăng ký thất nghiệp nhưng đã “bị loại khỏi thị trường lao động”.
“Những người này không thể làm việc do những biện pháp hạn chế của đại dịch, các nghĩa vụ xã hội hoặc vì họ không muốn tìm việc. Do đó, những tài năng, kỹ năng và năng lượng của họ sẽ bị mất đi” - ông Ryder nói thêm.
Tác động không đồng đều
Nghiên cứu của ILO chỉ ra tác động không đồng đều của cơn khủng hoảng y tế đối với người lao động trên thế giới, nhất là đối với những lao động là phụ nữ và trẻ tuổi.
Đại dịch COVID-19 có tác động không đồng đều tới các nhóm lao động và lĩnh vực kinh tế. Ảnh: Liên Hợp Quốc.
Trên toàn cầu, tỉ lệ mất việc làm của phụ nữ là 5%, trong khi con số này ở nam giới là 3,9%.
Phụ nữ thường làm việc trong những lĩnh vực kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ đại dịch và phải đảm nhận nhiều việc hơn như chăm con trong thời gian chúng phải nghỉ học do các biện pháp kiềm chế dịch COVID-19.
Những lao động trẻ tuổi cũng có khả năng mất việc cao hơn. Tỉ lệ mất việc làm ở những người từ 15 đến 24 tuổi là 8,7%. Tỉ lệ này ở người lớn là 3,7%.
ILO đã phát cảnh báo “nguy cơ thực tế về một thế hệ mất mát”.
Nghiên cứu của ILO cũng nhấn mạnh tác động không đồng đều tới các lĩnh vực khác nhau, trong đó dịch vụ lưu trú và ăn uống chịu tổn thất lớn nhất với tỉ lệ mất việc làm là 20%.
Ngược lại, việc làm trong các lĩnh vực như thông tin, truyền thông, tài chính và bảo hiểm tăng cao.
Kịch bản nào cho tương lai?
Mặc dù với sự xuất hiện của vaccine ngừa COVID-19 có thể đem đến hy vọng thế giới sớm kiềm chế đại dịch, tuy nhiên ILO cảnh báo rằng triển vọng phục hồi thị trường lao động toàn cầu là “chậm, không đồng đều và không chắc chắn”.
Để giải quyết hiện trạng trên, ILO đã kêu gọi các nước trên thế giới hỗ trợ các nhóm và lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch cũng như các lĩnh vực tạo ra việc làm nhanh chóng. Đồng thời, ILO cũng nhấn mạnh sự quan tâm cần thiết đối với các nước nghèo, nơi có ít nguồn lực để thúc đẩy thị trường việc làm.
ILO đã đưa ra ba kịch bản phục hồi cho năm 2021, tùy thuộc vào các biện pháp hỗ trợ ở cấp độ quốc gia và quốc tế.
Trong kịch bản bi quan cho thấy số giờ làm việc sẽ giảm thêm 4,6% và thậm chí kịch bản triển vọng nhất cũng dự đoán số giờ làm việc sẽ giảm thêm 1,3% trong năm nay, tương ứng với 36 triệu việc làm sẽ mất đi.