Thế nhưng, do các sản phẩm này còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nên hiện vẫn còn nhiều tranh luận xung quanh vấn đề này. Các tổ chức y tế công cộng và các quốc gia khác trên thế giới đang quản lý thuốc lá thế hệ mới thế nào?
Tổ chức HealthBrigde Canada toàn cầu, Tổ chức Vì trẻ em không khói thuốc (Campaign for Tobacco-Free Kids) hay Liên minh quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi (The Union) là những tổ chức chống thuốc lá điển hình đang hoạt động sôi nổi. Các tổ chức này đều cho rằng thuốc lá thế hệ mới độc hại tương tự như thuốc lá điếu, thậm chí còn có hàm lượng nicotin gây nghiện hơn so với thuốc lá điếu.
Các tổ chức chống thuốc lá cho rằng thuốc lá thế hệ mới độc hại như các loại thuốc lá điếu
Được biết, các tổ chức phòng chống thuốc lá kể trên đều đến từ các quốc gia phát triển và tôn trọng ý nguyện tự do cá nhân như Hoa Kỳ hay Canada. Đến nay, những nỗ lực loại trừ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới của các tổ chức này lại đang không được công nhận tại chính các quốc gia sở tại của họ. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (U.S. FDA) hoặc Tổ chức Y tế Công cộng Anh (Public Health England), Tổ chức HealthBrigde Canada toàn cầu hay Viện Nghiên cứu Liên bang Đức đều có lập luận trái ngược.
Tại Mỹ, từ tháng 4-2019, FDA Mỹ đã cho phép kinh doanh sản phẩm thuốc lá làm nóng từ một tập đoàn toàn cầu. Đến tháng 7-2020 lại tiếp tục cho phép sản phẩm này được công bố là “Sản phẩm Thuốc lá Điều chỉnh Nguy cơ - Giảm thiểu phơi nhiễm”. Theo đó, FDA cho biết, nếu người nghiện hút thuốc lá trưởng thành chuyển đổi sử dụng hoàn toàn sẽ giảm thiểu sự phơi nhiễm của cơ thể với các chất hóa học gây hại so với việc tiếp tục hút thuốc lá điếu đốt cháy.
FDA cho phép một loại sản phẩm thuốc lá làm nóng là “Sản phẩm Thuốc lá Điều chỉnh Nguy cơ - Giảm thiểu phơi nhiễm”
Còn nghiên cứu Đánh giá Rủi ro (Federal Institute for Risk Assessment – BfR) của Viện nghiên cứu Liên bang Đức, được tiến hành năm 2017 và được công bố trên Tạp chí Độc học (tháng 4-2018) thì chỉ ra: nồng độ nicotin là tương đương giữa hai sản phẩm (thuốc lá làm nóng và thuốc lá điếu). Tuy nhiên, có sự giảm đáng kể hàm lượng aldehyd (80%-95%) và hợp chất hữu cơ bay hơi (97%-99%) của thuốc lá làm nóng so với thuốc lá điếu.
Thậm chí, trái với quan điểm của HealthBrigde Canada tại Việt Nam, GS. David Sweanor, thành viên Hội đồng Quản trị của Tổ chức HealthBrigde Canada, kiêm Luật sư và Chủ tịch Ban Cố vấn khoa Luật Y tế, Chính sách và Đạo đức của Đại học Ottawa lại nhận định: “Chúng ta đã có phương pháp để cung cấp nicotine mà người dùng cần hoặc mong muốn nhưng lại không khiến họ phải hít vào những chất độc hại được tạo ra bởi sự đốt cháy. Vì vậy, nếu nhìn nhận chưa đầy đủ về các sản phẩm công nghệ thế hệ mới này thông qua hành động cấm, sẽ như là một lý do để bảo vệ thế độc quyền của ngành hàng thuốc lá điếu đốt cháy khỏi sự tấn công hoặc bị chiếm lĩnh thị phần”.
Điểm chung trong chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới của các quốc gia này là sự kết hợp của việc kiểm soát, ngăn ngừa sự tiếp cận của giới trẻ, cung cấp thông tin minh bạch cho người dùng hiểu rõ về sự khác biệt của các sản phẩm thuốc lá nằm ở những vị trí khác nhau trên chuỗi nguy cơ, trong đó thuốc lá điếu nằm ở vị trí độc hại nhất. Bên cạnh đó là việc khuyến khích người hút thuốc cai hẳn hoặc chuyển đổi sang các sản phẩm thay thế ít tác hại hơn. Theo báo cáo 10 năm của FDA Mỹ, trong thập kỷ qua, tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành hiện tại ở Mỹ đã giảm từ gần 21% xuống còn 14% và tỷ lệ hút thuốc lá ở thanh thiếu niên cũng ở mức thấp nhất mọi thời đại.
Còn tại Nhật Bản, chính phủ này áp dụng một hướng tiếp cận kết hợp đối với các quy định về thuốc lá thế hệ mới. Theo đó, thuốc lá làm nóng được nhận định là một sản phẩm thuốc lá vì các thành phần của chúng được làm từ lá thuốc và được Bộ Tài chính kiểm soát. Hơn nữa, khung pháp lý quy định danh mục sản phẩm này khác xa với khung pháp lý quy định dành cho thuốc lá điếu đốt cháy, bao gồm cả về việc áp thuế, cảnh báo sức khỏe và hạn chế sử dụng.