Cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Ảnh: Channel 4
Barack Obama, tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, có bài phát biểu tưởng nhớ đầy xúc động cựu tổng thống Nam Phi, trong vòng 45 phút sau khi hay tin Mandela qua đời.
"Chúng ta sẽ không thể nhìn thấy một ai giống Nelson Mandela nữa", ông Obama nói trên truyền hình, ca ngợi người anh hùng châu Phi vì "phẩm giá vĩ đại và ý chí không thể lay chuyển, sẵn sàng hy sinh tự do của mình cho tự do của mọi người".
"Hôm nay ông ra đi, chúng ta mất đi một trong những con người có ảnh hưởng nhất, dũng cảm và sâu sắc nhất. Ông ấy đã không còn thuộc về chúng ta nữa. Mandela thuộc về lịch sử".
Obama cũng dự kiến sẽ sang Nam Phi tham dự tang lễ của Mandela cùng các nhà lãnh đạo chính trị quan trọng khác, trong đó có một số cựu tổng thống Mỹ, AFP cho hay.
Các cựu tổng thống Mỹ cũng nhanh chóng bày tỏ sự tiếc thương ngay sau khi tin Mandela qua đời được công bố. Họ nhớ về Mandela suốt 27 năm bị giam cầm hay thời gian làm việc cùng ông sau khi ông được phóng thích năm 1990.
"Barbara và tôi xin tưởng nhớ một trong những tín đồ vĩ đại nhất của tự do mà chúng tôi có vinh dự được quen biết", cựu tổng thống George Bush, người từng mời Mandela đến Nhà Trắng, nói.
Cựu tổng thống Bill Clinton thì chia sẻ trên trang Twitter của mình bức ảnh chụp với "người bạn" Mandela cùng dòng chú thích: "Hôm nay thế giới đã mất đi một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất và một trong những con người cao quý nhất".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ca ngợi Nelson Mandela là "một người khổng lồ của công lý".
"Nhiều người trên thế giới chịu ảnh hưởng từ cuộc đấu tranh vô ngã của ông cho phẩm giá, bình đẳng và tự do của con người. Ông đã chạm đến cuộc sống của chúng ta theo những cách sâu sắc riêng", ông Ban nói. "Chỉ với những con người vĩ đại như Nelson Mandela, nhân dân châu Phi mới có thể được hưởng tự do và phẩm giá của con người".
Ít phút sau khi cái chết của Mandela được công bố, Hội đồng Bảo an LHQ cũng dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ ông.
Thủ tướng Anh David Cameron so sánh việc lãnh đạo da màu qua đời như "một ánh sáng vĩ đại vụt tắt". Văn phòng của ông ở phố Downing cũng treo cờ rủ như một cách bày tỏ sự kính trọng đối với Mandela.
"Mandela là một huyền thoại trong cuộc sống và bây giờ là cả trong cái chết, một người anh hùng thế giới thực thụ", ông Cameron nói. "Được gặp ông là một trong những vinh dự lớn nhất của đời tôi. Trái tim tôi xin được chia sẻ nỗi đau buồn của gia đình ông và toàn thể người dân Nam Phi cũng như trên khắp thế giới, những người mà cuộc sống của họ đã đổi thay nhờ lòng dũng cảm của ông".
Thủ tướng Australia Tony Abbott ca ngợi Mandela là "một con người vĩ đại thực sự".
"Nelson Mandela sẽ mãi mãi được nhớ đến hơn cả một nhà lãnh đạo chính trị, ông là một lãnh đạo mẫu mực", ông Abott nói. "Dù thế giới không bao giờ còn nhìn thấy một Nelson Mandela khác nữa, ông vẫn truyền cảm hứng cho mọi người để sống can đảm và trung thực hơn".
Châu Phi và nhiều nơi khác trên thế giới, những nơi từng trải qua cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân, chia sẻ niềm tiếc thương vô hạn đối với người anh hùng.
Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan gọi Mandela là "một trong những nhà giải phóng vĩ đại nhất nhân loại", trong khi người đồng cấp của Mexico cho rằng "nhân loại đã mất đi một chiến binh chiến đấu không biết mệt mỏi cho hòa bình, tự do và bình đẳng".
"Tấm gương của nhà lãnh đạo vĩ đại này sẽ dẫn dắt tất cả những ai đang đấu tranh cho công lý trong xã hội và hòa bình trên thế giới", Tổng thống Brazil Dilma Rousseff nhấn mạnh.
Cựu tổng thống Nelson Mandela qua đời lúc 20h50 ngày 5/12. Thông tin được Tổng thống Nam Phi Zacob Zuma xúc động thông báo trên truyền hình quốc gia.
Mandela đã được điều trị bệnh phổi tại nhà từ tháng 9 đến nay, và trước đó ông có ba tháng nằm viện khi bệnh trở nặng.
Ông là con người huyền thoại của phong trào đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Sau 27 năm bị giam cầm ở nhà tù đảo Robben, ông được thả vào năm 1990. Nhà lãnh đạo đã dẫn dắt đất nước tới dân chủ, chấm dứt chế độ cai trị của người da trắng thiểu số và đảm bảo quyền bầu cử cho người da màu. Ông được bầu làm tổng thống Nam Phi năm 1993, giữ chức từ năm 1994-1999.
Năm 1993, ông được trao giải Nobel Hòa bình cùng Frederik Willem de Klerk, lãnh đạo Nam Phi da trắng từng ra lệnh thả ông. "Hoạt động của họ đã chấm dứt một cách hòa bình chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và đặt nền tảng cho một nước Nam Phi dân chủ mới", nhận xét của Ủy ban Nobel Hòa bình ca ngợi công lao của ông.
Theo Anh Ngọc (VNE)