Thế giới tuần qua: Nhiều biến động từ Âu sang Á

(PLO)- Thế giới tuần qua nóng với nhiều sự kiện nổi bật: Hàn Quốc nói Triều Tiên phóng tên lửa bốn lần trong một tuần; Nga sáp nhập bốn tỉnh Ukraine; Kiev nộp đơn xin gia nhập NATO; Biểu tình ở Iran chưa có dấu hiệu hạ nhiệt...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kết thúc tuần thảo luận chung theo khuôn khổ kỳ họp thứ 77 của Đại Hội đồng LHQ

Ngày 26-9, tuần lễ thảo luận chung cấp cao trong khuôn khổ kỳ họp 77 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã chính thức khép lại, theo hãng tin AFP.

Tại đây, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã có bài phát biểu xoay quanh mối lo ngại về việc vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng một lần nữa.

“Vũ khí này không an toàn, chỉ đem lại sự tàn sát và hỗn loạn trên diện rộng. Chiến tranh lạnh đã đẩy con người sát tới bờ vực diệt vong và tôi sẽ rất tiếc nếu như giai đoạn đó đã qua đi từ rất lâu nhưng giờ đây loại vũ khí này lần nữa được kích hoạt” - ông Guterres nói.

Nhật cử hành lễ tang cựu Thủ tướng Abe Shinzo

Ngày 27-9, Nhật cử hành lễ tang cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Được tổ chức tại thủ đô Tokyo, đây là lễ tang cấp nhà nước hiếm hoi cho một thủ tướng Nhật kể từ sau Thế chiến II, theo hãng thông tấn Kyodo News.

Toàn cảnh Lễ Quốc tang cố Thủ tướng Nhật Abe Shinzo tại thủ đô Tokyo. Ảnh: KYODO NEWS

Toàn cảnh Lễ Quốc tang cố Thủ tướng Nhật Abe Shinzo tại thủ đô Tokyo. Ảnh: KYODO NEWS

Lễ tang cấp nhà nước cho cố Thủ tướng Nhật Abe có sự tham gia của hàng nghìn chức sắc trong và ngoài nước.

Hàn Quốc nói Triều Tiên phóng tên lửa bốn lần trong một tuần

Hãng tin Reuters ngày 1-10 dẫn thông tin từ quân đội Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn về phía biển ngoài khơi bờ biển phía đông. Theo giới chức Hàn Quốc, đây là vụ phóng thứ tư của Bình Nhưỡng trong vòng một tuần qua.

Hàn Quốc nói Triều Tiên phóng tên lửa bốn lần trong một tuần. Ảnh: REUTERS

Hàn Quốc nói Triều Tiên phóng tên lửa bốn lần trong một tuần. Ảnh: REUTERS

Theo chính quyền Seoul, động thái nói trên của Bình Nhưỡng được đưa ra trong bối cảnh Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có chuyến công du đến Hàn Quốc.

Ông Putin sáp nhập 4 tỉnh Ukraine vào Nga

Ngày 30-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hiệp ước công nhận hai tỉnh Kherson và Zaporizhia của Ukraine là lãnh thổ có chủ quyền độc lập, theo đài RT.

Sắc lệnh của ông Putin có hiệu lực ngay lập tức và được đưa ra chỉ vài giờ trước khi ông chính thức ký hiệp ước sáp nhập bốn tỉnh Ukraine (gồm hai tỉnh nói trên và Luhansk, Donetsk) vào Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS

Moscow công nhận Luhansk và Donetsk là quốc gia độc lập hồi tháng 2.

Trước đó, chính quyền ly khai ở bốn tỉnh này đã tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý độc lập về việc sáp nhập vào lãnh thổ Nga. Kết quả được các phe ly khai công bố sau khi kiểm phiếu cho thấy đa số người dân mong muốn được trở thành một phần lãnh thổ của Nga, theo hãng thông tấn TASS.

Trong bài phát biểu tại lễ ký hiệp ước, ông Putin Moscow sẽ không “phản bội” ​​các vùng lãnh thổ muốn trở thành một phần của Nga. Bước đi này của Nga đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Ukraine và nhiều nước trên thế giới.

Ukraine nộp đơn xin gia nhập NATO

Ngày 30-9, sau khi Tổng thống Nga ký hiệp ước sáp nhập bốn tỉnh Ukraine, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine đã chính thức nộp đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO, theo tờ The Guardian.

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky. Ảnh: REUTERS

Theo ông Zelensky, Ukraine và NATO trên thực tế đã là đồng minh trên thực tế và Kiev đã có thể chứng minh rằng mình đáp ứng được các tiêu chuẩn của liên minh.

Ukraine là một trong những quốc gia có khao khát lớn nhất trong việc trở thành thành viên của liên minh an ninh lớn nhất thế giới. Để có thể gia nhập khối quân sự, Ukraine phải nhận được sự đồng thuận của tất cả 30 thành viên NATO.

EU đề xuất vòng trừng phạt thứ 8 đối với Nga

Ngày 28-9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề xuất gói trừng phạt thứ 8 nhằm vào Nga để đáp trả việc nước này phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: REUTERS

Theo đề xuất, gói trừng phạt thứ 8 của Liên minh châu Âu (EU) bao gồm các lệnh cấm nhập khẩu đối với các sản phẩm của Nga và các lệnh cấm đối với các ngành công nghệ chủ chốt phục vụ cho quốc phòng như hàng không và linh kiện điện tử.

Nếu được thông qua, gói trừng phạt mới sẽ tạo cơ sở pháp lý để EU áp mức giá trần đối với dầu của Nga.

Theo bà von der Leyen, bất kỳ ai giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt đều sẽ bị liệt vào danh sách các biện pháp hạn chế của EU.

Để được thông qua, đề xuất trừng phạt buộc phải có sự đồng ý của 27 nước thành viên EU.

Đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 bị rò rỉ

Trong tuần qua, giới chức Đan Mạch và Thụy Điển liên tục thông báo đã phát hiện nhiều vết rò rỉ trên hai đường ống dẫn khí đốt từ Nga đến EU là Nord Stream 1 và 2, theo trang tin Euro News.

Các nước phương Tây và Nga đều cho rằng các vụ rò rỉ có thể là hậu quả của một cuộc tấn công có chủ đích vào cơ sở hạ tầng đường ống.

Đường ống Nord Stream 2 rò rỉ trên biển Baltic. Ảnh: REUTERS

Đường ống Nord Stream 2 rò rỉ trên biển Baltic. Ảnh: REUTERS

Ngày 26-9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố rằng Moscow "quan ngại sâu sắc về tin tức" và không loại trừ khả năng đã có "hành động phá hoại" nhằm làm gián đoạn hoạt động của các đường ống, theo TASS.

Đến ngày 1-10, công ty điều hành đường ống Nord Stream 2 cho biết áp suất nước dưới biển Baltic dường như đã ổn định và chính điều này đã ngăn khí thoát ra khỏi đường ống, theo Euro News.

Biểu tình ở Iran vẫn tiếp diễn

Trong tuần qua, làn sóng biểu tình ở Iran đã lan rộng khi hàng nghìn người tiếp tục xuống đường để phản đối cái chết của Mahsa Amini , một phụ nữ 22 tuổi đã bị “cảnh sát đạo đức” ở thủ đô Tehran giam giữ vì bị cáo buộc đội khăn trùm đầu quá lỏng lẻo, theo hãng tin Al Jazeera.

Những người biểu tình đã phản đối gay gắt và yêu cầu phụ nữ được đối xử công bằng hơn.

Biểu tình ở Iran lan rộng và khiến hàng chục người thiệt mạng. Ảnh: AP

Biểu tình ở Iran lan rộng và khiến hàng chục người thiệt mạng. Ảnh: AP

Theo đài truyền hình nhà nước Iran, ít nhất 41 người biểu tình và cảnh sát đã thiệt mạng kể từ khi cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 17-9.

Trong khi đó, AFP dẫn nguồn tin từ Tổ chức phi chính phủ Nhân quyền Iran (IHR) cho biết đã có ít nhất 76 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát Iran và những người biểu tình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm