Thể thao Việt Nam 2014: Bức tranh màu xám

Asiad 17 thể thao Việt Nam gãy chỉ tiêu vàng khi chỉ duy nhất Thúy Vi (Whusu) một lần vinh dự đứng trên bục cao nhất nghe và hát quốc ca.

Công bằng mà nói thì sân chơi châu Á có lúc bị chi phối nhiều bởi yếu tố bè phái và ngoại giao. Điều này thì những nhà lãnh đạo thể thao Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết qua thời thân với Hàn Quốc được ưu ái ở môn Taekwondo; hay hữu hảo với Wushu Trung Quốc và được chia phần…

Chính cựu Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh khi nói về thành tích Asiad 17 đã không lấy chuẩn HCV để phủ lên bức tranh màu đen cho đoàn thể thao Việt Nam. Dù ông Minh không ủng hộ lắm cách làm của lãnh đạo thể thao Việt Nam hiện nay nhưng ông vẫn cho rằng có những thành tích của ta dù không đạt HCV nhưng vẫn có những cột mốc đáng khen đặc biệt là các môn trong hệ thống Olympic. Điển hình HCB của lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn, hai HCĐ bơi lội của Nguyễn Thị Ánh Viên, hai HCĐ môn đấu kiếm, hai HCĐ boxing nữ, HCB xe đạp đường trường nữ của Nguyễn Thị Thật hoặc vị trí thứ nhì của VĐV nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo… Những môn mà trước đây thể thao Việt Nam thường lùi bước rất xa và chỉ chăm chăm vào hái vàng ở những môn mới dễ ăn với cách tính điểm đầy cảm tính ở ao làng.

Thúy Vi không nằm trong danh sách dự báo vàng nhưng lại là VĐV duy nhất mang vàng về cho thể thao Việt Nam tại Asiad 17. Ảnh: QUANG THẮNG

Tất nhiên nếu nhìn sang Thái Lan (hạng 6 toàn đoàn với 12 HCV, 7 HCB, 28 HCĐ), Malaysia (hạng 14 với 5 HCV), Singapore (hạng 15, 5 HCV) hay Myanmar (hạng 21, 2 HCV) thì thứ hạng 21 của ta đáng để xem lại về nền tảng khi bước ra sân chơi châu Á.

Trong thể thao tính dự báo rất quan trọng nhưng hai kỳ Asiad gần nhất ở khâu này của thể thao Việt Nam đều sai số rất xa. Trong số những môn mất vàng của ta, việc rơi phong độ trong thời điểm quyết định chỉ một phần và phần chính còn lại là ta quá lạc hậu khi nắm thông tin về những đối thủ chính và ảnh hưởng không ít đến chiến thuật lẫn đấu pháp để thực thi.

Sau Asiad là Đại hội TDTT toàn quốc. Một kỳ đại hội quá tốn kém trong tình hình kinh tế còn khó khăn với những công trình đồ xộ được xây mới nhưng công năng sử dụng lại rất thừa cho một đại hội. Một đại hội không phục vụ bất kỳ đà trượt cho giải đấu lớn nào của thể thao Việt Nam mà chỉ là nội bộ đấu nhau và bị châm biếm theo khung 3M (mua - mướn - mượn).

Không phải ngẫu nhiên mà đại hội thể thao giữa người nhà đấu nhau lại được nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến vì tiêu tốn quá nhiều và vì căn bệnh thành tích vẫn tiếp diễn. Nguy hiểm hơn là ngành thể thao đang ngày càng biến đại hội thành một sân đua bằng đủ mọi cách kéo theo rất nhiều tiền của mà vẫn không hơn được chất lượng những giải vô địch quốc gia của từng bộ môn.

Xem cuộc đua thật nhưng thành tích ảo ở đại hội, nhiều nhà chuyên môn tự đặt ra câu hỏi: “Có phải chúng ta đang biến đại hội của ta thành “ao” SEA Games thu nhỏ trong phạm vi của ta với cuộc đua thành tích không thực và rồi mắc vào căn bệnh y hệt SEA Games đó là thường xuyên ở tốp 3 Đông Nam Á nhưng thoát khỏi ao làng vào sân chơi châu Á thì thành tích thua cả Malaysia, Singapore, Myanmar?”.

Nhìn vào bức tranh thể thao Việt Nam năm 2014 lại thấy ái ngại khi thành phần chiến lược cho thể thao Việt Nam đang mất chất dần và trở nên thứ yếu cho bộ máy “Văn - Thể - Du”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm