Từ đâu hình thành ‘sản phẩm’ U-23 Việt Nam?

U-23 này là ai, họ đến từ những lò đào tạo nào? Có lẽ cũng không cần có câu trả lời vì giờ đây hầu như người hâm mộ khắp cả nước đều biết họ trưởng thành từ đâu, công lao dạy dỗ từ ai.

Những cầu thủ xuất thân từ lò PVF, Viettel, Hà Nội thì được dạy dỗ bởi những cựu danh thủ thuộc thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam và nhiều thế hệ khác của bóng đá Việt Nam. Còn “đám trẻ bầu Đức” thì cũng không cần bàn, đó là công nghệ đào tạo của học viện hợp tác với Arsenal với những ông thầy chuyên trách “gõ đầu trẻ” đứng đầu là HLV Guilaumme Graechen từng dẫn dắt U-19 Việt Nam.

Trước đây, khi thế hệ học viện 1 của HA Gia Lai - Arsenal JMG “xuống núi” khoác áo U-19 Việt Nam tạo nên những cơn sốt bóng đá Việt Nam, chúng tôi trao đổi nhiều với các cựu danh thủ như Trần Minh Chiến, Lê Huỳnh Đức, Triệu Quang Hà, Nguyễn Hữu Thắng… thì tất cả cùng có chung quan điểm là bóng đá Việt Nam rất cần nhiều ông bầu máu bóng đá như bầu Đức, bầu Hiển thì sẽ phát triển. Vì vài lò đào tạo tốt chưa thể nâng cấp nền bóng đá được mà phải thật nhiều và thật đa dạng.

U-23 Việt Nam là sản phẩm của những lò đào tạo không quản ngại kinh phí và đầu tư cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: CTV

Những cựu tuyển thủ thì tất nhiên có những cái nhìn tinh tế qua trận mạc, qua con người và đặc trưng của một tập thể được xem là mạnh. Như HA Gia Lai, Hà Nội tạo ra những cầu thủ tấn công giỏi thì có những lò khác như Viettel có điểm mạnh là tạo ra những cầu thủ phòng ngự tốt. PVF thì tạo ra những cầu thủ giỏi cả tấn công và phòng ngự… Điều này có nghĩa muốn có được những tuyến tốt của đội tuyển thì đó là sự tổng hợp, là tập thể được quy tụ từ những lò đào tạo khác nhau.

Trước đây, khi “đám trẻ bầu Đức” ra thi đấu, ai cũng nghĩ cái tập thể ấy có thể đại diện cho cả một đội cấp đội tuyển quốc gia vẫn đá tốt… Dần dần trong quá trình vận hành đội cũng bộc lộ ra nhiều khiếm khuyết, hay nói đúng hơn là chưa hoàn thiện, cần có sự bổ sung… Rồi khi đám trẻ này trải qua các V-League, những giải đấu khắc nghiệt không phân biệt già, trẻ…, sau đó thành phần gọi vào đội tuyển quốc gia có sự pha trộn của nhiều cầu thủ ưu tú của nhiều lò đào tạo thì nó trở thành một tập thể hoàn hảo bổ khuyết cho nhau. Họ đa dạng trong tấn công, có thêm nhiều miếng đánh hơn và quan trọng là chắc chắn trong phòng ngự…

Tất nhiên trong sự thành công đó là vai trò của những người thầy, những HLV giỏi chuyên môn, có kiến thức bóng đá, giỏi sư phạm, giáo dục thì mới có thể tạo ra những cầu thủ giỏi mọi mặt…

Sản phẩm của U-23 Việt Nam hiện nay là quả ngọt của quá trình đó.

HLV Park Hang-seo làm gì để kết hợp họ thành một khối?

Từ đâu hình thành ‘sản phẩm’ U-23 Việt Nam? ảnh 2
HLV Park Hang-seo đã gắn kết các cầu thủ của nhiều đội thành một tập thể vì màu cờ sắc áo. Ảnh: XUÂN HUY

Cũng thành phần trên, ở SEA Games 29 họ có lúc bị xem là quân bầu này, lính bầu nọ và có những nghi kỵ về sự ưu ái nghiêng về một lối chơi của một CLB. Cũng có người cho rằng họ và HLV bị ảnh hưởng bởi một ông bầu. Sang đến thời ông Park Hang-seo thì những nghi ngờ đó biến mất. Thay vào đó là sự tỏa sáng của một tập thể mà mỗi cá nhân là một mắt xích quan trọng. Nhìn hình ảnh thầy trò đùa vui với nhau ai cũng cảm nhận đó là một gia đình. Nhìn cảnh những Xuân Trường, Văn Thanh cào tuyết cho Quang Hải dễ thực hiện quả sút phạt thành bàn không ai còn phân biệt quân ông này, lính bầu kia nữa. Họ đã vượt qua những nghi kỵ về người của CLB này nọ mà là một tập thể U-23 vững mạnh. Điều này phải cảm ơn ông thầy Park Hang-seo đã giúp họ gắn kết với nhau thành một khối và đặc biệt là không có ngôi sao, không có tranh công, không có ưu ái trong một đội bóng mạnh…

ĐT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm