Thống kê của hải quan cho thấy tính tới ngày 15-11, số lượng thép cán nguội nhập về Việt Nam đã lên tới 62 vạn tấn với giá trị trên 300 triệu USD. Trong khi đó, 11 tháng qua, tổng lượng tiêu thụ của thép cán nguội sản xuất trong nước chỉ đạt 20 triệu tấn. Hiện thép cán nguội nhập khẩu đang chiếm 3/4 thị phần nội địa khiến doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn. Tại thời điểm này, thép cuộn cán nguội của Trung Quốc bán mức giá 570-590 USD/tấn, tương đương 10,5-10,9 triệu đồng/tấn, rẻ hơn thép cuộn cán nguội trong nước từ 800.000 đến 1,6 triệu đồng/tấn.
Thị trường thép trong nước gặp khó khăn khi thép cán nguội nhập khẩu chiếm 3/4 thị phần với giá rẻ. Ảnh: HTD
Theo cảnh báo của VSA, thép nhập khẩu đa phần là thép thứ phẩm, chất lượng không tốt bằng thép sản xuất trong nước. Chưa kể việc ồ ạt của thép nhập khẩu sẽ gây ra nguy cơ thừa thép vì sản xuất trong nước đã vượt quá nhu cầu tiêu thụ.
Trong đơn, VSA đề nghị Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng lãi suất ưu đãi của ngân hàng, không để các công ty tận dụng ưu đãi này nhập chủng loại thép cán nguội mà trong nước vốn đã dư thừa. Hải quan cần ban hành các quy định chặt chẽ về thủ tục khai báo hải quan nhằm tránh tình trạng nhập vào ồ ạt với số lượng lớn, gian lận thương mại.
VSA cũng đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) xem xét, hướng dẫn các công ty thép trong nước thu thập số liệu và chứng cứ để có thể tiến hành các biện pháp tự vệ thương mại. Theo pháp lệnh về việc chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thì thép nhập khẩu từ một nước chiếm trên 3% tổng thép nhập khẩu vào Việt Nam thì có thể áp dụng biện pháp thuế tự vệ. Ví dụ, thép của nước A sẽ bị coi là bán phá giá nếu được bán vào Việt Nam với giá thấp hơn giá thép đang được bán trên thị trường nội địa nước A hoặc thấp hơn giá thành mà doanh nghiệp tại nước A sản xuất ra. Đồng thời, việc bán phá giá đó là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.
Đương nhiên, doanh nghiệp Việt Nam muốn kiện thì phải đưa ra số liệu, chứng cứ chứng minh về thiệt hại đó. Đồng thời phải có số liệu theo dõi tình hình nhập khẩu cụ thể, tình hình sản xuất trong nước trong 12 tháng trước, so sánh giá nhập khẩu và tính biên độ phá giá... Chưa hết, cái khó nhất trong việc kiện bán phá giá là kinh phí dành cho việc thuê luật sư rất lớn, có khi lên tới hàng ngàn USD/giờ tư vấn.
Đây không phải là lần đầu tiên VSA đại diện cho doanh nghiệp thép cầu cứu cơ quan chức năng. Đầu năm 2009, thép nội đã một dịp lao đao vì thép nhập khẩu từ Nga, Ukraina, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ... và một thời gian sau nhà nước đã điều chỉnh tăng thuế thép ngoại.
TRUNG HIẾU