Thí điểm học sinh THPT được học tín chỉ bậc đại học

(PLO)-  Học sinh xuất sắc tại bậc THPT sẽ được học tín chỉ và công nhận ở một số môn cơ bản bậc đại học theo mục tiêu Đại học Quốc gia TP.HCM đặt ra trong năm 2024.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 22-12, Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức hội nghị thường niên năm 2023.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết vào năm 2024, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ xác định một số nhiệm vụ trọng tâm.

Đề xuất học sinh THPT học tín chỉ bậc đại học
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trong đó, về mặt đào tạo tiếp tục đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy, triển khai đồng bộ hệ thống quản lý học tập LMS, hệ thống bài giảng trực tuyến MOOCs.

Công nhận tín chỉ cho học sinh THPT

“Đặc biệt, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ triển khai thí điểm một số môn học chung và tổ chức học tín chỉ và công nhận tín chỉ cho học sinh THPT vượt trội theo phương thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp.

Tôi thấy nhiều trường đại học lớn như Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, có cơ chế đột phá cho những học sinh giỏi vượt trội. Các tài năng đặc biệt 14 tuổi có thể vào đại học, 16-18 tuổi tốt nghiệp đại học, 20 tuổi tốt nghiệp tiến sĩ. Nếu chúng ta cứ đi theo mô hình tuyến tính mà không có đột phá thì không biết bao giờ mới thành công” - PGS.TS Vũ Hải Quân bày tỏ.

PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết thêm, hình thức học tín chỉ này sẽ được thực hiện đối với học sinh THPT có tài năng vượt trội, không giới hạn học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu hay trường chuyên.

Phương thức được thực hiện kết hợp trực tuyến với trực tiếp. Trong đó, học sinh sẽ học tín chỉ đại học qua hệ thống bài giảng trực tuyến MOOC của các trường thành viên, sau đó dự thi trực tiếp để được công nhận tín chỉ. Đại học Quốc gia TP.HCM đang xây dựng đề án và điều kiện cụ thể cho kế hoạch học tín chỉ này.

“Hiện nay, việc đào tạo đại học được thực hiện từng bước, như vậy rất khó để phát triển. Do đó, Đại học Quốc gia TP.HCM phải mạnh dạn triển khai vì Nghị quyết 45 của Ban chấp hành Trung ương tạo cơ chế chính sách vượt trội cho sự phát triển của hai Đại học Quốc gia trong việc đầu tư, phát triển nguồn nhân lực" - PGS.TS Vũ Hải Quân bày tỏ.

Cũng theo PGS.TS Vũ Hải Quân, đề án này nếu đi vào thực hiện sẽ mở ra cơ hội cho học sinh có tài năng được tiếp cận với giáo dục đại học sớm hơn. Quan trọng hơn, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp. Đồng thời, hình thức này có thể rút ngắn thời gian học đại học tối đa 1 năm.

Đã từng đề xuất

Cách đây 10 năm, Đại học Quốc gia TP.HCM đã có đề án đề xuất học sinh THPT có thể học tín chỉ và thi một số môn học ở chương trình đại học.

Đề án dựa trên chương trình học AP (Advanced Placement), học sinh có thể chọn học trước một số môn theo nhiều chuyên đề khác nhau (38 môn học theo 7 môn chính) ngay từ phổ thông.

Thời điểm đó, đề án được xây dựng trên nguyên tắc thí điểm áp dụng cho học sinh giỏi của trường Phổ thông năng khiếu thuộc Đại học Quốc gia TP HCM. Học sinh lớp 11, 12 của trường này có thể tham gia một số lớp học đại cương của các trường đại học thành viên Đại học Quốc gia TP HCM. Sau đó, học sinh sẽ thi và được chứng nhận hoàn tất môn học. Kết quả các tín chỉ này được sử dụng để vào học tại các trường thành viên.

Năm 2021, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép học sinh các trường chuyên được thi và công nhận hoàn thành một số tín chỉ ở các môn cơ bản đang được giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng.

Đề án, kiến nghị này vẫn chưa được triển khai do vấp phải sự không thống nhất của các trường thành viên trong các vấn đề học phí, cách cấp tín chỉ, cách tham gia học của học sinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm