Thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí

(PLO)- Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa là chủ đề rất rộng đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư nhiều về thời gian, công sức.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-6, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam, báo Nhân Dân phối hợp tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí.

Tham dự lễ phát động có Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam,...

Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, lễ phát động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa với sự phát triển đất nước cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín người làm báo.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: VT

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: VT

Phát biểu tại lễ phát động, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá đây là hoạt động rất có ý nghĩa đối với các cơ quan báo chí và những người làm báo; là sự kiện có ý nghĩa mở đầu cho chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Ông Nghĩa cho rằng phải thẳng thắn nhận thấy việc xây dựng một môi trường văn hóa thực sự trong cơ quan báo chí chưa được đầu tư và đồng bộ; nhận thức về vai trò, vị trí, sứ mệnh của người làm báo trong gìn giữ, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của một số lãnh đạo, cơ quan báo chí, một số phóng viên, người làm báo chưa thực sự thấu đáo, đầy đủ và sâu sắc.

Thậm chí, có tình trạng xuất hiện dấu hiệu lệch chuẩn, lạc chuẩn văn hóa; phê phán, chê bai người khác mà không thấy mình trong đó; xa rời những giá trị chuẩn mực, quên mất danh dự, phẩm giá của người làm báo cách mạng, chạy theo thị hiếu tầm thường trong một số sản phẩm báo chí, trong cách thức ứng xử với đồng nghiệp và công chúng.

Đại diện các cơ quan báo chí ký cam kết thực hiện phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí. Ảnh: TTXVN

Đại diện các cơ quan báo chí ký cam kết thực hiện phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí. Ảnh: TTXVN

Một số người làm báo có lúc bị dao động, bị lợi ích vật chất cám dỗ, dẫn đến những hành vi trái đạo đức nghề nghiệp, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ông đồng tình và đánh giá cao các ban, ngành đã lựa chọn thời điểm thích hợp với một chủ đề rất trúng và đúng là Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí để phát động phong trào thi đua báo chí cả nước.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa là chủ đề rất rộng đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư nhiều về thời gian, công sức.

Ông yêu cầu phong trào thi đua phải được lan tỏa thấm sâu, thực chất vào mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo; trong đó các cơ quan phải hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện phong trào ở các cấp hội, cơ quan báo chí.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã phát động phong trào thi đua và công bố Tiêu chí xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa làm căn cứ, cơ sở để các cơ quan báo chí, người làm báo hưởng ứng, tổ chức, triển khai, thực hiện.

TIÊU CHÍ CƠ QUAN BÁO CHÍ VĂN HÓA

1. Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí và tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; nhận thức đầy đủ sứ mệnh, vai trò của báo chí trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; nỗ lực góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện nội quy, quy định gắn với các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa; tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, thân thiện, hợp tác trong cơ quan.

3. Tổ chức quy trình hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, công khai, minh bạch; xác định nguyên tắc tác nghiệp trên tinh thần khách quan, xây dựng, vì lợi ích chung. Quản lý, chỉ đạo sát sao hoạt động của phóng viên, biên tập viên, người lao động và của văn phòng đại diện.

4. Đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; nêu cao tính nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hướng đến các giá trị “chân, thiện, mỹ”, lan tỏa những điều tốt đẹp, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, tiêu cực, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội.

5. Tích cực đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số; coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

6. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo; hưởng ứng và triển khai phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí.

VĂN HÓA CỦA NGƯỜI LÀM BÁO VIỆT NAM

1. Có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng; chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế, quy định của cơ quan, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

2. Tận tụy, trách nhiệm với công việc; hành nghề trung thực, công tâm, không vụ lợi, không sách nhiễu, cửa quyền, giữ gìn phẩm giá, tư cách của người làm báo.

3. Tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư, không gây tổn thương tinh thần, nhân phẩm, danh dự cá nhân và tổ chức.

4. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nêu cao tính nhân văn trong tác phẩm báo chí cũng như trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

5. Ứng xử chân thành, thân ái; sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp; khiêm tốn, văn minh trong quan hệ công tác; chuẩn mực, thân thiện với công chúng.

6. Tích cực rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp; thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức, nâng cao trình độ nghiệp vụ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm