Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Báo chí cần đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng

(PLO)- Thông qua phóng sự điều tra, có thể “cảnh báo sớm” để các cá nhân, tổ chức không dám tham nhũng, tiêu cực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều tối 20-6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã gặp gỡ các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2022).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho các tổng biên tập, trưởng các cơ quan báo chí, nhà báo tiêu biểu trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: L.THOA

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho các tổng biên tập, trưởng các cơ quan báo chí, nhà báo tiêu biểu trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: L.THOA

Tôn vinh các nhà báo lăn xả vào tâm dịch

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng báo chí có vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Nhìn lại đợt chống đại dịch COVID-19 vừa qua, Chủ tịch nước ghi nhận nhiều PV, nhà báo đã lăn lộn ngày đêm vào các nơi có dịch phức tạp. Đồng thời, Chủ tịch nước tôn vinh những nhà báo đã xả thân, đóng góp cho công tác phòng chống dịch. “Công cuộc phòng chống dịch vừa qua với cả hệ thống chính trị vào cuộc rất mạnh mẽ, trong đó có vai trò của báo chí TP.HCM, góp phần tiếng nói trong chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP trong việc hỗ trợ, điều trị, cứu chữa, ngăn chặn có hiệu quả đại dịch diễn ra ở TP” - Chủ tịch nước nói.

Từ những thước phim, hình ảnh cảm động trên báo chí, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định báo chí phản ánh rất kịp thời tình hình phòng chống dịch cũng như tình hình phục hồi sau đại dịch rất mạnh mẽ của TP, quyết tâm khắc phục khó khăn, giải quyết việc làm, giải quyết tình trạng kinh tế âm của TP. “Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi biểu dương, đánh giá cao các cơ quan báo chí TP, trong đó có những cá nhân có tác phẩm thể hiện sự trăn trở, phản ánh đúng thực tiễn, những tấm gương lao mình vào cứu trợ nhân dân, phục hồi sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt các chủ trương của TP” - Chủ tịch nước khẳng định.

Báo chí cần góp phần ngăn chặn từ sớm, từ xa để các cá nhân, nhóm lợi ích không dám làm những việc sai phạm, không để các sai phạm nhỏ trở thành những sai phạm lớn, vụ án lớn…

Góp phần ngăn chặn tham nhũng từ xa

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong thời gian qua báo chí đã tuyên truyền, góp phần khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước, của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu trong việc đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

“Từ đó, tôi đề nghị báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực gắn với tăng cường rèn luyện đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước” - Chủ tịch nước khẳng định và đề nghị qua các bài phản ánh, những phóng sự điều tra, báo chí có thể “cảnh báo sớm” đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Từ đó để họ không thể và không dám làm sai, không dám tham nhũng, không dám tiêu cực, giúp ngăn chặn từ sớm, từ xa, không để các sai phạm nhỏ trở thành những sai phạm lớn, vụ án lớn gây thiệt hại rất lớn đến tài sản của Nhà nước và nhân dân như một số vụ việc, vụ án vừa qua.

Cùng với đó, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan báo chí cần đề cập nhiều hơn nữa những vấn đề mà người dân quan tâm, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng.

Với chức năng giám sát, phản biện xã hội, Chủ tịch nước mong báo chí sẽ giúp nâng cao công khai, minh bạch của hoạt động quản lý hành chính nhà nước cũng như quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và hoạch định chính sách.

Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan báo chí cùng đội ngũ những người làm báo cả nước cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò và trách nhiệm chính trị của báo chí trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân và vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu đội ngũ những người làm báo trên địa bàn TP.HCM phải là nhân tố tích cực, là lực lượng xung kích của Đảng bộ và chính quyền TP trong việc quảng bá hình ảnh con người và TP mang tên Bác Hồ luôn năng động, sáng tạo, đổi mới và phát triển mạnh mẽ.•

Tăng cường phản ánh và phản biện vì sự phát triển của TP.HCM

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ghi nhận và bày tỏ sự trân trọng đối với những đồng hành, đóng góp của các đội ngũ báo chí cho sự phát triển của TP trong suốt thời gian qua.

Theo ông Mãi, TP.HCM được như hôm nay có sự đóng góp của các cơ quan báo chí. Bên cạnh những thông tin trên các phương tiện báo chí phản ánh tình hình của TP kịp thời đến các địa phương, bạn bè quốc tế thì báo chí đã đóng góp nhiều ý kiến, định hướng, giải pháp để TP phát triển; chính nhờ đó mà TP.HCM đã có sự phát triển bứt phá trong thời gian qua.

Ông Mãi cho biết báo chí đã huy động vật lực, tài lực, trí tuệ để đóng góp cho TP, thể hiện rõ trong thời gian phòng chống dịch vừa qua. Ngay khi TP vừa có dấu hiệu kiểm soát dịch thì báo chí đã có những gợi mở, góp ý để TP vừa kiểm soát dịch vừa mở cửa kịp thời, phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của cơ quan báo chí trong thời gian tới. Trong đó, các cơ quan báo chí tiếp tục phản ánh kịp thời đối với sự vận động trưởng thành của TP, tham gia phản biện xã hội, kể cả những mặt chưa hoàn thiện, chỉ ra những điểm cần được cải thiện, những tiêu cực để đấu tranh, xây dựng TP tốt hơn.

Chia sẻ với những khó khăn của cơ quan báo chí sau dịch, ông Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM sẽ có trách nhiệm cùng các cơ quan giải quyết để duy trì và phát triển hoạt động báo chí. Trong đó có câu chuyện chuyển đổi số, kinh tế báo chí, sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí với các địa phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm