Thi hành án bế tắc: Mỏi mòn chờ giám đốc thẩm

Đây là chuyện không hề mới nhưng luôn nóng đối với ngành thi hành án trước áp lực giải quyết án tồn đọng. Gần đây nhất, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phải “nổi đóa” vì nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm một vụ tranh chấp đất đai nhưng “gào thét” mãi mà chẳng được ai nghe.

Kêu hoài chẳng ai nghe

Theo hồ sơ, năm 2002, bà H. mua hơn 8.000 m² đất ở gần nhà ông D. và đã được UBND huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) cấp giấy đỏ. Đến năm 2006, ông D. thuê xe vào múc đất mặt đem đi bán nên tranh chấp xảy ra. Bà H. kiện ông D. yêu cầu phải trả đất cho bà. Ông D. thì khăng khăng bảo đất này là của gia đình ông mua từ năm 1989…

TAND huyện Xuyên Mộc và TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đều tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H., buộc ông D. phải trả lại mảnh đất tranh chấp. Án phúc thẩm có hiệu lực, bà H. làm đơn yêu cầu thi hành án, còn ông D. thì khiếu nại gay gắt cho rằng tòa xử sai. Tìm hiểu đơn khiếu nại, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thấy bản án phúc thẩm có nhiều sai sót nghiêm trọng nên đã gửi nhiều công văn kiến nghị lãnh đạo VKSND, TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm.

Theo Cục Thi hành án tỉnh, tòa án chỉ được thụ lý, giải quyết khi tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại xã, phường hoặc được người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Ở vụ này, các bên chưa được hòa giải ở cấp chính quyền cơ sở, cũng chưa có quyết định giải quyết khiếu nại nhưng các cấp tòa vẫn thụ lý, giải quyết là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Mặt khác, việc mua bán đất phải theo một trình tự luật định nhưng người bán đất không có giấy tờ gì chứng minh đất này thuộc quyền sử dụng của mình khi bán cho bà H. Việc mua bán cũng chỉ bằng miệng, bà H. lại nhờ người khác đứng tên giùm nhưng lại được tòa chấp nhận. Chưa hết, mảnh đất đang có tranh chấp chưa giải quyết xong nhưng UBND huyện Xuyên Mộc lại cấp giấy đỏ cho bà H. Việc cấp giấy đỏ lại xảy ra trước thời điểm… bà H. mua đất.

Các phân tích của Cục Thi hành án tỉnh rõ ràng như thế nhưng từ đầu năm 2009 đến nay, dù gửi nhiều kiến nghị, Cục vẫn phải mòn mỏi chờ đợi vì chưa nhận được ý kiến phản hồi nào từ người có thẩm quyền kháng nghị.

Thi hành án bế tắc: Mỏi mòn chờ giám đốc thẩm ảnh 1

Mượn hồ sơ rồi… bỏ lơ

Tháng 7-2008, TAND TP Phan Thiết (Bình Thuận) đã chấp thuận cho ông C. và bà H. được ly hôn. Theo bản án, bà H. phải giao lại cho ông C. hơn 100 m2 đất tại phường Bình Hưng (TP Phan Thiết) trị giá khoảng gần 67 triệu đồng.

Sau khi bị Chi cục Thi hành án dân sự TP Phan Thiết triệu tập đến làm việc, bà H. mới té ngửa và “tố” rằng tòa đã xử án vắng mặt bà. Bà H. làm đơn kháng cáo nhưng bị TAND tỉnh Bình Thuận bác vì quá hạn. Bà tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi chánh án TAND tỉnh đề nghị vị này kiến nghị người có thẩm quyền xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Nghiên cứu hồ sơ xong, chánh án TAND tỉnh chấp nhận đề nghị của bà H. và có công văn gửi TAND Tối cao đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án của TAND TP Phan Thiết. Chánh án TAND tỉnh phân tích: Việc tòa sơ thẩm xử vắng mặt bị đơn nhưng không tống đạt mà chỉ niêm yết bản án là trái với quy định của BLTTDS.

Ngày 2-12-2008, cơ quan thường trực phía Nam của TAND Tối cao đã yêu cầu được mượn hồ sơ vụ việc về để nghiên cứu, giải quyết và từ đó đến nay không hề có văn bản trả lời. Hai bên đương sự sốt ruột từng ngày nhưng cơ quan thi hành án và TAND tỉnh cũng chỉ biết ra sức thuyết phục hai bên cố gắng chờ kết quả giải quyết của TAND Tối cao.

Án tuyên mơ hồ

Trước đây, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk từng đề nghị Pháp Luật TP.HCM phản ánh nhiều vụ thi hành án bế tắc do án tuyên mơ hồ, oái oăm, nhiều lần yêu cầu người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm nhưng không có kết quả.

Chẳng hạn vụ kiện giữa ông H. và ông N. Năm 2007, TAND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định công nhận sự thỏa thuận thành là ông H. đồng ý trả cho ông N. 2,4 tỉ đồng. Sau đó ông H. đổi ý, kháng cáo. Tháng 2-2008, ông H. qua đời. 20 ngày sau, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đưa vụ án ra xử với lý do ông H. còn người thừa kế tài sản. Điều cần nhất là chỉ rõ người thừa kế nào có trách nhiệm trả nợ thay cho ông H. thì tòa lại không nhắc tới. Sau đó, tòa bác kháng cáo và buộc… ông H. đóng án phí.

Cục Thi hành án tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng giải thích nhưng không được hồi âm. Cục gửi văn bản đến chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm cũng không được phúc đáp.

Được hay không cũng nên trả lời

Chúng tôi cũng từng gặp hoàn cảnh tương tự, gửi kiến nghị nhưng không nhận được hồi đáp. Tôi cho rằng chuyện này là chưa sòng phẳng với cơ quan thi hành án bởi luật cho phép cơ quan thi hành án có quyền kiến nghị giám đốc thẩm với những bản án phi thực tế, có sai sót dẫn đến không thể thi hành được. Luật đã tạo ra một cơ chế mở để tòa sửa chữa sai sót nên nhận được kiến nghị mà nơi có thẩm quyền lại không trả lời xem kiến nghị có cơ sở hay không là thiếu sót. Nếu gặp một vướng mắc mà cơ quan thi hành án cứ phải kiến nghị hoài từ tháng này qua tháng khác thì không ổn, bản án của tòa sẽ không có giá trị trong cuộc sống.

Ông LÊ HỮU HÒA, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận 10, TP.HCM

Có thiệt hại,  ai bồi thường?

Giả sử cơ quan thi hành án cứ kiến nghị hoài nhưng không được trả lời, bản án của tòa cứ nằm im không được thi hành, nếu xảy ra thiệt hại cho các bên đương sự thì cơ quan nào chịu trách nhiệm bồi thường? Trong khi đó, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã ra đời, người dân có quyền yêu cầu cơ quan gây ra thiệt hại bồi thường nếu quyền lợi của họ bị xâm hại.

Vì vậy, theo tôi, phải bổ sung quy định về thời hạn cán bộ, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời các kiến nghị của cơ quan thi hành án cùng các biện pháp chế tài nếu không trả lời. Chúng ta phải có chính sách áp dụng thống nhất pháp luật từ trên xuống, không nên theo kiểu nếu cấp dưới vi phạm thì mở luật ra phạt, còn cấp trên làm không đúng lại không sao. Luật phải quy định rõ về trách nhiệm của từng khâu trong quá trình tố tụng, như vậy mới chặt chẽ.

Ông VÕ THÀNH DANH, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án
dân sự quận 8, TP.HCM

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm