Thi hành án “ép” dân bán nhà (?)

Bà Lâm Thị Hạnh (phường 7, TP Cà Mau) mắc cùng lúc hai món nợ: nợ bà T. 68 triệu đồng; nợ Quỹ tín dụng nhân dân phường 2 (TP Cà Mau) hơn 50 triệu đồng. Theo phán quyết của tòa án, bà Hạnh có nghĩa vụ trả dứt nợ cho bà T., hạn chót là ngày 1-4-1998, đồng thời căn nhà của bà Hạnh sẽ được đấu giá để trả tiền cho Quỹ tín dụng nhân dân phường 2.

Đến hạn, bà Hạnh không thể trả dứt nợ cho bà T. nên xin được trả dần. Bà T. chấp thuận và yêu cầu bà Hạnh mỗi lần trả tiền thì đem đến nộp tại cơ quan thi hành án (có biên bản xác minh). Song khi bà Hạnh đến nộp tiền, cơ quan thi hành án lại từ chối nhận. Ngày 22-4-1998, cơ quan thi hành án ký vào đơn xin thi hành án dài hạn của bà Hạnh như sau: “Bà Hạnh có tài sản để thi hành án nên không được trả dần... Nhà của đương sự đã bị kê biên”.

Trong khi đó, giấy chủ quyền nhà của bà Hạnh lại do Quỹ tín dụng nhân dân phường 2 cất giữ. Tháng 7-1999, khi làm việc với Đội thi hành án TP Cà Mau (nay là Thi hành án dân sự TP Cà Mau), Quỹ khẳng định chưa yêu cầu thi hành án vì đã đồng ý cho bà Hạnh trả nợ dần và không thống nhất việc bán căn nhà của bà Hạnh.

Như vậy, cả hai chủ nợ đều đồng ý cho bà Hạnh trả nợ dần. Thay vì khuyến khích sự thỏa thuận của các bên, Thi hành án dân sự TP Cà Mau vẫn kiên quyết kê biên nhà của bà Hạnh để cưỡng chế thi hành án. Bà Hạnh cho biết mình không được thông báo tham gia định giá mà chỉ nhận được thông báo buộc giao nhà. Tháng 9-1999, căn nhà trên được tổ chức bán đấu giá.

Thi hành án sai?

Giữa năm 2002, Cục Thi hành án (Bộ Tư pháp) có văn bản đề nghị Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau hủy việc định giá và bán đấu giá căn nhà trên. Bởi khi định giá, chấp hành viên đã không mời người được thi hành án và người phải thi hành án tham gia. Hơn nữa, tài sản được bán thấp hơn giá thị trường.

Lúc đầu, Sở Tư pháp và VKSND tỉnh Cà Mau đã không chấp nhận đề nghị trên của Cục Thi hành án. Tuy nhiên, với sự cân nhắc nhất định “có nên bán căn nhà của bà Hạnh khi bà đã trả xong nợ cho Quỹ tín dụng nhân dân phường 2 và giờ chỉ còn phải thi hành án 68 triệu đồng...”, hai cơ quan này lại tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau và Cục Thi hành án.

Hai tháng sau, Bộ Tư pháp có văn bản khẳng định đề nghị của Cục Thi hành án là có cơ sở. Chưa kịp triển khai việc hủy kết quả bán đấu giá, Phòng Thi hành án tỉnh Cà Mau lại nhận được chỉ đạo mới của Bộ Tư pháp “duy trì kết quả bán đấu giá...”. Theo Bộ Tư pháp, bà Hạnh vắng mặt khi định giá là do bà tự đi khỏi nơi cư trú mà không trình báo. Ngoài ra, không có đủ cơ sở để xác định giá bán căn nhà trên thấp hơn giá thị trường.

Lý lẽ này liệu đã ổn thỏa khi theo trình bày của bà Hạnh, dù là đồng sở hữu nhà nhưng chồng bà cũng không hề được thông báo về việc bán đấu giá? Cớ gì cơ quan thi hành án cứ kiên quyết bán đấu giá nhà khi người được thi hành án (tức là bà T.) đã đồng ý thu hồi nợ dần và bà Hạnh vẫn còn ít tài sản khác có giá trị đủ để cấn nợ?

Hiện bà Hạnh đang hết sức lo âu bởi “tối hậu thư” nhận được từ Thi hành án dân sự TP Cà Mau: “Đến ngày 9-9-2007, bà phải tự nguyện di dời tài sản ra khỏi nhà để thi hành án giao nhà cho người mua. Nếu không, cơ quan thi hành án sẽ tiến hành cưỡng chế”. THỤY CHÂU

Vẫn chưa …mở được như ý!

Có ai ngờ sổ hộ khẩu đang là rào cản của dòng chảy chất xám. Như Sở Xây dựng và TAND TP.HCM đều mang hộ khẩu ra làm điều kiện bắt buộc trong xét tuyển nhân sự. Nhiều cơ quan khác tuy có vẻ thoáng hơn, “mở” hơn nhưng vẫn còn ràng buộc: ứng viên có hộ khẩu TP chỉ cần có bằng đại học luật, vi tính văn phòng, ngoại ngữ chứng chỉ A; ứng viên chỉ tạm trú tại TP (KT3) thì phải có bằng đại học luật hệ chính quy loại trung bình khá trở lên, ngoại ngữ chứng chỉ B và cam kết tự nguyện công tác từ năm năm trở lên.

Thực tế cho thấy ở rất nhiều cấp học, người ngoại tỉnh đạt nhiều danh hiệu và thành tích cao. Vậy các cơ quan trên cần năng lực, thái độ làm việc hay cần... hộ khẩu của ứng viên?

Thông tư số 74 ngày 26-7-2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn Nghị định 115, Nghị định 116 và Nghị định 117 của Chính phủ năm 2003 nêu rõ người tham gia dự tuyển công chức chỉ cần có đủ các văn bằng, chứng chỉ phù hợp ngành nghề, không phân biệt loại hình đào tạo (chính quy, tại chức, mở rộng...); ngoài các đối tượng thuộc diện ưu tiên do Chính phủ quy định (không có ưu tiên về hộ khẩu), các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh không được quy định thêm các loại ưu tiên khác. Ở những trường hợp trên, xem ra “phép vua” vẫn... chưa qua được “lệ làng”!

Nhiều địa phương đã có vô số chế độ, chính sách rất thoáng, rất “mở” nhằm “trải thảm đỏ” thu hút nhân tài về phục vụ cho địa phương mình và đương nhiên không hề có “bóng dáng” của sổ hộ khẩu. Lẽ nào TP.HCM vốn đang phát triển năng động và chắc chắn cần nhiều nguồn nhân lực lại làm ngược lại?

KTS LÊ CÔNG SĨ (Trà Vinh)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm