Thí sinh có chứng chỉ quốc tế được ‘chuộng’ khi xét tuyển đại học

(PLO)- Năm 2023, nhiều trường đại học (ĐH) có xu hướng ưu tiên xét tuyển những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL iBT…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tính đến thời điểm này, đa số các trường ĐH trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh dự kiến vào ĐH chính quy năm 2023. Đáng chú ý, bên cạnh xét điểm các kỳ thi hay học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế dần trở thành phương thức được nhiều trường lựa chọn để tuyển sinh đầu vào.

Cụ thể như Trường ĐH Luật TP.HCM, năm 2023 trường dự kiến tuyển sinh 2.100 chỉ tiêu cho 5 ngành học.

Đáng chú ý, trong hai phương thức xét tuyển năm nay, trường dành tối thiểu 40% chỉ tiêu cho xét tuyển thẳng và xét tuyển sớm, với ba nhóm đối tượng.

Trong đó, nhóm xét tuyển sớm yêu cầu thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế còn thời hạn có giá trị, dự kiến đến ngày 30-6-2023 (nếu chứng chỉ có quy định về thời hạn).

Theo đó, thí sinh phải thỏa ba điều kiện, đã tốt nghiệp THPT (hoặc tương đương); có chứng chỉ IELTS ≥ 5.5 hoặc TOEFL iBT ≥ 65 điểm, chứng chỉ DELFB1 ≥ B1 hoặc TCF ≥ 300 điểm hoặc JLPT ≥ N3; điểm trung bình cộng của 5 học kỳ THPT (gồm năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12) của ba môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên.

Đại diện Trường ĐH Luật TP.HCM tư vấn chọn ngành học cho thí sinh năm 2023. Ảnh: CTV

Đại diện Trường ĐH Luật TP.HCM tư vấn chọn ngành học cho thí sinh năm 2023. Ảnh: CTV

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng dự kiến tuyển hơn 8.000 thí sinh với bốn phương thức. Trong đó, ở 10% chỉ tiêu để tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng, trường sẽ áp dụng với học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên, học sinh trường chuyên; có chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên hoặc các chứng chỉ tương đương trong thời gian còn hiệu lực tính đến ngày 29-8-2023. Bên cạnh đó, thí sinh phải có tổng điểm ba môn theo tổ hợp xét tuyển từ 21 điểm.

Tương tự, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng dành một phần chỉ tiêu để xét tuyển những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Như Trường ĐH Công nghệ thông tin năm nay dành 15% chỉ tiêu dựa trên các chứng chỉ quốc tế uy tín; hoặc kết hợp kết quả học tập cấp THPT với chứng chỉ quốc tế.

Cụ thể, ở nhóm một (dựa trên chứng chỉ quốc tế uy tín), thí sinh phải có hạnh kiểm tốt và tối thiểu là học sinh khá (hoặc tương đương) trong các năm học THPT; có chứng chỉ quốc tế thỏa một trong những điều kiện: Chứng chỉ SAT có điểm từ 510 trở lên cho mỗi phần thi; chứng chỉ ACT có điểm trung bình từ 21 trở lên; AS/A level có điểm từ C-A cho mỗi môn thi; tú tài quốc tế (IB) có tổng điểm từ 21 trở lên; các văn bằng, chứng chỉ quốc tế uy tín khác được Hội đồng tuyển sinh chấp thuận.

Còn ở nhóm hai (xét kết hợp), thí sinh có hạnh kiểm tốt và tối thiểu đạt danh hiệu học sinh khá (hoặc tương đương) trong các năm học THPT; tổng điểm trung bình 3 năm THPT của 3 môn học trong tổ hợp xét tuyển tối thiểu bằng 24; có điểm có chứng chỉ IELTS ≥ 5.5 hoặc TOEFL iBT ≥ 60 điểm hoặc JLPT ≥ N3.

Trong 6 phương thức xét tuyển vào Trường đại học Quốc tế năm 2023, trường dự kiến dành 5-10% chỉ tiêu đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài hoặc thí sinh tốt nghiệp THPT và có chứng chỉ quốc tế.

Trường Đại học Kinh tế - Luật cũng dành tối đa 10% chỉ tiêu trong tổng 2.400 chỉ tiêu ĐH để xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ quốc tế (IELTS, TOEFL…) kết hợp với kết quả học THPT hoặc có chứng chỉ SAT, ACT hoặc bằng tú tài quốc tế (IB).

Năm 2023, Trường ĐH Khoa học tự nhiên cũng dùng 6 phương thức để xét tuyển hơn 3.500 sinh viên cho 29 ngành/nhóm ngành. Trong đó, có 8-15% chỉ tiêu theo ngành ở chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến được dựa trên kết quả các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp với kết quả học tập bậc THPT áp dụng cho thí sinh người Việt Nam.

Nhiều trường ĐH khác như Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội… đều sử dụng chứng chỉ quốc tế là một trong những tiêu chí ưu tiên xét tuyển ở một số phương thức. Các trường hợp này thường dành cho những ngành học có liên quan ngoại ngữ hoặc chương trình chất lượng cao, tiên tiến…

Theo các trường, việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khi xét tuyển ĐH sẽ thúc đẩy việc chú trọng học ngoại ngữ trong học sinh hơn. Từ đó, nguồn tuyển sinh đầu vào của các trường sẽ chất lượng hơn, đáp ứng yêu cầu đào tạo sinh viên ngày càng cao, phù hợp xu thế hội nhập.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm