Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc NXB Giáo dục, ông Ngô Trần Ái, cho rằng một trong những vấn đề khi thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là phải đổi mới chất lượng dạy và học, loại dần những thao tác thuyết giảng truyền thống. “Muốn thực hiện điều đó cần có thiết bị hiện đại hỗ trợ thầy cô giáo và hỗ trợ học sinh. Các thiết bị dạy học hiện đại, thông minh, tương tác nhiều chiều sẽ là chiếc đũa thần kỳ để khai thác kho tàng tri thức, tạo cầu nối giữa thầy và trò” - ông Ái nói.
Kho tàng tri thức và việc khai thác nó như thế nào đang trở thành vấn đề thời sự giáo dục hiện nay. Thật vậy, trong thời đại toàn cầu hóa với nền kinh tế tri thức, hằng ngày chúng ta đang chứng kiến nhiều phát minh khoa học-công nghệ được công bố, nhiều sản phẩm công nghệ cao ra đời... Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, hằng ngày giáo viên và học sinh cũng đang đối diện với một khối lượng tri thức khổng lồ. Cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã đưa các kho tàng tri thức nhân loại quý giá đến tận lớp học.
Rõ ràng, phương tiện dạy học chỉ với phấn trắng, bảng đen truyền thống không còn phù hợp với thời đại mới. Những tri thức chuyển tải đến học sinh phải nhanh hơn, nhiều hơn, hấp dẫn hơn, dễ hiểu và dễ nhớ hơn. Với những yêu cầu đó, nhà trường cần phải được đầu tư trang bị những thiết bị dạy học mới, hiện đại. Khoảng thập niên gần đây, cùng với việc phát triển nhanh của công nghệ thông tin, đã xuất hiện nhiều thiết bị, phương tiện dạy học mới như máy tính, đèn chiếu, bảng tương tác… với sự hỗ trợ tích cực của các phần mềm dạy học đã thật sự tạo ra cuộc cách mạng về công nghệ dạy học. Nhiều kiến thức trừu tượng thông qua mạng Internet, các chương trình multimedia… đã bước vào bài giảng một cách nhẹ nhàng, sinh động; bài giảng được số hóa trở nên gọn gàng, dễ hiểu, học sinh có thể sử dụng nhiều lần… Thật không thể nói hết lợi ích thiết thực mà các thiết bị dạy học mới mang lại. Chúng góp phần đẩy nhanh chủ trương xây dựng xã hội học tập mọi nơi, mọi lúc.
Trên thực tế, việc giảng dạy gắn với các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin thay cho bảng đen, phấn trắng đã khá phổ biến ở một số địa phương. Đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, việc mua sắm thiết bị dạy học hiện đang diễn ra một cách tự phát, thậm chí khá lộn xộn ở một số địa phương. Thấy được nhu cầu to lớn từ phía trường học, các nhà cung cấp lên kế hoạch “đổ bộ” vào nhà trường với nhiều phương thức cạnh tranh quyết liệt. Mặt khác, giá cả các thiết bị này không hề rẻ; chất lượng của các thiết bị này thật không dễ thẩm định nếu thiếu kinh nghiệm… Đứng ở góc độ chuyên môn, ông Ngô Trần Ái cảnh báo hiện có quá nhiều nhà cung cấp các thiết bị công nghệ phục vụ dạy học với các mức giá khác nhau, giá được đẩy lên cao và chênh lệch nhau rất nhiều.
Về phía nhà trường, phương thức thực hiện việc mua sắm thiết bị dạy học cũng không thể không băn khoăn. Để “chạy đua” đổi mới công nghệ dạy học, đã có địa phương vội vã thực hiện “xã hội hóa” việc mua sắm này với yêu cầu phụ huynh ở tất cả các trường đóng góp 50% kinh phí. Nguồn vận động phụ huynh đóng góp có nơi lên đến hàng trăm tỉ đồng. Ý nghĩa của việc xã hội hóa giáo dục đã bị lạm dụng, gây ra không ít khó khăn cho bộ phận gia đình nghèo, đông con, gây dư luận không tốt trong xã hội.
Thiết bị dạy học một khi được khai thác tốt sẽ là đũa thần nhưng cũng có thể trở thành gánh nặng của phụ huynh nếu vẫn thả nổi cách trang bị như hiện nay!
LÊ ĐÔNG