“Ôm nợ” với bảng tương tác

Việc mua sắm bộ thiết bị giảng dạy đa chức năng (BTT) - thiết bị nằm trong đề án nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh tại TP.HCM - được thực hiện trong năm học vừa qua cho khối mầm non và tiểu học tại TP.HCM nằm trong chỉ đạo của UBND TP.

Theo đó, từ năm học 2013-2014, hàng trăm trường mầm non và tiểu học trên địa bàn thành phố đã tiếp nhận BBT theo phương thức xã hội hóa: Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí, 50% còn lại các trường phải vận động phụ huynh học sinh đóng góp.

Phụ huynh tiếp tục trả nợ

Bản thân tôi là giáo viên tiếng Anh có 20 năm trong nghề, với tôi BTT đơn giản chỉ để tổ chức trò chơi cho học sinh nên không thật sự cần thiết với mức giá quá cao như vậy.

Học sinh không thể tương tác với cái bảng mà giỏi lên đâu. Để học ngoại ngữ, các em cần thời gian tương tác với giáo viên, với bạn hơn.

180 triệu đồng đó có thể dành để mua sắm học cụ hoặc thuê giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh trong một năm học thì sẽ hiệu quả hơn nhiều.

(Một giáo viên tiếng Anh tại Q.1, TP.HCM)

Như vậy, nếu một trường nhận một BTT (trị giá khoảng 180 triệu đồng) thì trường sẽ phải chia đều và thu từ phụ huynh để trả 50% (90 triệu đồng). Với những ngôi trường điểm, trường ở địa bàn trung tâm có đối tượng phụ huynh khá giả, việc “thu nợ” không có vấn đề gì.

Song ở một số trường nghèo, trường ngoại thành, việc tiếp tục kêu gọi phụ huynh đóng góp để trả nợ BTT trong năm học mới khiến ban giám hiệu phải đau đầu.

Sau đợt vận động nhận BTT, nhiều trường đang “ôm nợ” than thở về việc khó thu đủ để trả nợ khi một bộ phận phụ huynh không đồng ý, phụ huynh nghèo không đóng, việc thu tiền khó khăn khi hiệu quả của BTT không thấy rõ: số lượng học sinh được tiếp cận với BTT ít, thời gian tiếp cận rất hạn chế (do cả trăm học sinh dùng chung một máy).

Và năm học mới này tại TP.HCM, nhiều phụ huynh còn chưa biết “BTT là gì” thì hằng tháng vẫn phải đóng tiền “trả nợ” cho con.

Tại một trường tiểu học ở Q.Phú Nhuận, hiệu trưởng thừa nhận năm vừa rồi nhà trường nhận hai BTT, tổng số tiền phải thu xã hội hóa là 180 triệu đồng và trả trong hai năm.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh không đồng ý đóng góp khoản tiền này (khoảng 20.000 đồng/học sinh/tháng) với lý do “không biết cái BTT là gì”. Vì vậy, trong năm học trước nhà trường chỉ mới trả được khoảng 45 triệu đồng, tức 1/4 số nợ, còn lại sẽ phải trả trong thời gian tới.

Trường đang bối rối không biết có nên nâng mức thu để trả món nợ này vì sợ phụ huynh không đồng ý. Nếu không nâng thì chắc chắn không thể trả nợ kịp tiến độ nhà đầu tư yêu cầu.

Còn ở một huyện ngoại thành, ban giám hiệu một trường tiểu học cho biết trường có hai BTT với khoảng 500 học sinh lớp 1 và lớp 2 được sử dụng.

Khi tiếp nhận hai BTT, trường phải đảm bảo xã hội hóa được 50% là 180 triệu đồng. Mỗi tháng học sinh đóng 20.000 đồng trong khoảng 2-3 năm cho đến khi trả hết nợ. Học sinh có thể đóng theo tháng hoặc đóng gộp theo học kỳ và sẽ được sử dụng bảng này cho đến khi ra trường.

Tuy nhiên, một giáo viên dạy tiếng Anh của trường này chia sẻ: “Mỗi tuần mỗi lớp có một tiết học với BTT khoảng 35 phút. Trong tiết học đó, nếu cố gắng hết sức giáo viên có thể tổ chức cho 15-20 em lên tương tác với bảng. Số còn lại phải chờ đến... tuần sau.

Mặc dù học sinh rất thích được học với BTT, nhưng vì thời gian eo hẹp nên giáo viên khó tổ chức nhiều hoạt động, mỗi học sinh chỉ được tương tác vài phút. Vì vậy hiệu quả của chiếc bảng 180 triệu cũng chỉ bằng với một tivi màn hình rộng + một chiếc máy tính xách tay kết nối mạng có giá thành rẻ hơn rất nhiều”.

Ở khối mầm non, một số trường mầm non tại quận 1, quận 3 cũng tiếp tục tổ chức giới thiệu về hoạt động của BTT cho phụ huynh đầu năm học này và vận động đóng góp trả nợ BTT.

“Có những phụ huynh lớp lá năm ngoái họ đóng tiền sau đó con họ ra trường, họ khá bức xúc vì đóng tiền mua máy nhưng con được sử dụng quá ít. Chưa kể với phụ huynh, BTT không có nhiều lợi ích cho con họ. Họ cần trẻ năng động, tìm hiểu môi trường xung quanh chứ không phải chăm chăm vào cái bảng. Nên năm nay việc huy động đóng góp của phụ huynh là cả một vấn đề, trong khi đó còn quá nhiều khoản phải lo” - một hiệu phó trường mầm non tại quận 1 chia sẻ.

Ở trường này, mức thu dự kiến là 15.000-20.000 đồng/bé/tháng và chỉ thu các bé khối mẫu giáo.

“Ôm nợ” với bảng tương tác ảnh 1

Học sinh mầm non trong giờ học với bảng tương tác. Bóng đen của người sử dụng bị máy chiếu lên bảng cũng như độ lóa sáng của tấm bảng là những hạn chế được nhiều giáo viên nêu ra - Ảnh: Như Hùng

Giáo viên oải

Khi được hỏi, đa số giáo viên công nhận học sinh rất hào hứng trong những giờ học có BTT, nhưng với điều kiện dạy học hiện tại, giáo viên gặp phải vô số khó khăn khi sử dụng tấm bảng này.

Một giáo viên tại quận 4 nêu ý kiến: Trường có một BTT, có năm giáo viên dạy nhưng chỉ có một máy tính đi kèm có cài đặt phần mềm ứng dụng của máy, các cô phải chia ngày để sử dụng máy tính này soạn bài.

Khi tổ chức trò chơi, hai nhóm lên bảng cùng viết thì không ra nét chữ, đành phải cho học sinh chơi lần lượt. Nếu viết chữ phải viết một nét cho đến hết chữ, còn ngưng giữa chừng thì phải xóa đi viết lại. Nếu muốn xóa phải dùng bút chấm vào biểu tượng cục gôm.

Những hoạt động này mất rất nhiều thời gian mà lẽ ra giáo viên có thể tổ chức những hoạt động nhóm, trò chơi khác mà vẫn đạt hiệu quả bài học.

Nhiều giáo viên băn khoăn vì những thiết bị đi kèm hầu như đều không sử dụng được: bộ dụng cụ trắc nghiệm đi kèm mỗi BTT gồm 40 cái nhưng sĩ số học sinh luôn vào khoảng 50 hoặc hơn nên sẽ thiếu khi phát cho các em. Máy chiếu vật thể (dùng quay lại hình ảnh vật thể rồi chiếu lên bảng) đi kèm thì giáo viên cũng không sử dụng vì... không cần thiết.

Có tình trạng bảng tương tác phải “trùm mền”

Sau gần một năm học làm quen và sử dụng BTT, nhiều giáo viên cho biết chưa sử dụng hết công năng của thiết bị trị giá trăm triệu này. Cả trường dùng chung 1-2 máy nên thời gian giáo viên và học sinh được tiếp cận thiết bị này rất ít, do đó giáo viên khó khăn khi tìm hiểu các chức năng, ứng dụng của bảng.

Khó sử dụng bút khi giáo viên và học sinh cùng viết lên bảng, một số bài học chưa được cập nhật, độ che khuất của máy chiếu... Đó là hàng loạt lúng túng của giáo viên trong quá trình dạy học bằng BTT được đặt ra tại buổi bồi dưỡng chuyên đề về sử dụng BTT do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức với sự tham gia của ban giám hiệu, giáo viên các trường tiểu học có BTT tại TP.HCM cuối tháng 7 vừa qua.

Nhiều giáo viên cũng công nhận có tình trạng BTT phải “trùm mền” vì khó sử dụng, có người cho biết “chưa được sử dụng bảng lần nào”.

Tại buổi bồi dưỡng, các chuyên viên Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC, đơn vị cung cấp BTT tại TP.HCM, đã giải đáp các thắc mắc của giáo viên liên quan đến cách sử dụng hiệu quả thiết bị này, đồng thời tập huấn cách sử dụng bảng cho các môn học khác.

Riêng về bộ dụng cụ trắc nghiệm chỉ có 40 cái, công ty cho biết các trường có thể đăng ký mua thêm nếu muốn trang bị cho cả lớp.

Theo LƯU TRANG (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm