Lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam (VN) đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết khi có đa dạng ngành nghề cùng tham gia hoạt động. Các chuyên gia cho rằng nhượng quyền thương hiệu rất có tiềm năng, đóng góp nhiều cho GDP quốc gia nếu được đầu tư đúng hướng. Tuy vậy, để vận hành thành công từ nhượng quyền thương hiệu, nhà đầu tư cần lưu ý nhiều vấn đề.
Kiếm tiền từ nhượng quyền thương hiệu
Anh Lê Phước Phúc, nhà sáng lập và điều hành thương hiệu Heramo - thương hiệu giặt ủi vệ sinh 4.0, vui mừng cho biết vừa ký được hai hợp đồng nhượng quyền thương hiệu chỉ trong một ngày, nâng tổng số lên chín cửa hàng mang thương hiệu này. Dù con số không lớn nhưng theo anh Phúc, đó là cả một quá trình nỗ lực xây dựng thương hiệu.
Thời gian gần đây, giới F&B (lĩnh vực ăn uống) cũng chứng kiến hoạt động nhượng quyền thương hiệu sôi nổi của kem đồ uống bình dân Mixue đến từ Trung Quốc với hơn 1.000 điểm bán.
Đối với thương hiệu trong nước, anh Nguyễn Nam, đối tác nhượng quyền của thương hiệu trà sữa Phúc Tea thuần Việt, nhìn nhận mô hình nhượng quyền đang đem lại doanh thu ổn định.
“Chỉ sau sáu tháng kinh doanh kể từ thời điểm nhượng quyền cửa hàng đầu tiên, tôi đã thu hồi được vốn. Hiện tại lợi nhuận hằng tháng khoảng 20%-25% tùy chi nhánh” - anh Nam chia sẻ.
Ở góc độ doanh nghiệp (DN) nhượng quyền, ông Trần Nhật Vũ, nhà sáng lập, chủ tịch của thương hiệu Phúc Tea, chuỗi trà sữa thuần Việt, cho biết sau sáu năm kinh doanh, thương hiệu có 135 chi nhánh trên toàn quốc, trong đó có tới 80% là cửa hàng nhượng quyền. “Đơn vị đang bắt đầu tiếp xúc với đối tác ở Malaysia để “xuất khẩu thương hiệu” cho đại lý nhượng quyền độc quyền - master franchise” - ông Vũ thông tin.
Đóng góp chung cho nền kinh tế
Chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân nhìn nhận nhượng quyền là lĩnh vực đóng góp lớn vào GDP quốc gia, tạo ra nhiều công ăn việc làm. Ví dụ, tại Singapore, ngành nhượng quyền đóng góp 3% vào GDP, Philippines là 5%, Malaysia là 6,3%, Mỹ là 5,1%, Úc là 9%, hay Canada là 10%.
Theo bà Vân, chuyên nghiệp hóa một mô hình và thương hiệu, sau đó tăng tốc phát triển tại thị trường nội địa và xuất khẩu là cách hiệu quả để phát triển chuỗi giá trị cho DN, đóng góp chung vào nền kinh tế quốc gia.
“Hiện nay có nhiều quốc gia đã cấu trúc ngành nhượng quyền thành ngành chiến lược để phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt cho khối kinh tế tư nhân và cho các DN vừa và nhỏ. Tại VN, ngành ẩm thực truyền thống đang có nhiều tiềm năng và đứng trước cơ hội vàng để bước ra thế giới thông qua một mô hình phù hợp” - chuyên gia Nguyễn Phi Vân nói.
Nhiều nhà đầu tư cho biết đã có lợi nhuận sau thời gian ngắn kinh doanh từ nhượng quyền thương hiệu. Ảnh: THU HÀ |
Tuy vậy, trong lĩnh vực nhượng quyền cũng có không ít vấn đề xoay quanh kiến thức vận hành, cũng như hợp đồng chuyển nhượng mà người nhận nhượng quyền đôi khi không lường trước.
Anh Võ Đình Tú Anh (30 tuổi, TP.HCM) cho biết cách đây hơn một năm, anh quyết định nhượng lại nhà hàng hải sản V.C theo mô hình nhượng quyền của mình. Anh Tú Anh cho biết anh là người đầu tiên mua lại mô hình nhượng quyền của thương hiệu này. Chính vì thế quy trình, hệ thống, nhân sự, điều khoản hợp đồng của bên bán nhượng quyền chưa hoàn chỉnh, bản thân anh cũng chưa có nhiều kinh nghiệm nên khi vận hành rất loay hoay.
“Dù trong hơn một năm nhà hàng vẫn kinh doanh ổn định đang có lời nhưng tôi quyết định thoái vốn vì mỗi lần trao đổi với chủ thương hiệu là một cuộc cãi vã về những tranh chấp điều khoản hợp đồng” - anh Tú Anh nói.
Hai nguyên tắc cơ bản
Theo chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân, thực tế nhiều chủ thương hiệu vẫn chưa hiểu đúng về nhượng quyền, nền tảng chưa chuyên nghiệp, các hình thức nhượng quyền chưa hợp lý và hiểu biết pháp lý chưa đầy đủ. Điều này kéo theo nhiều mâu thuẫn và tranh chấp đáng tiếc trong thời gian qua, làm nhiễu loạn thị trường.
Ngay cả các nhà đầu tư thiếu hiểu biết đúng đắn và đầy đủ về nhượng quyền cũng đã dẫn đến lựa chọn chưa tối ưu, không mang đến hiệu quả, thành công như kỳ vọng. Chính vì thế, dù nhượng quyền có nhiều tiềm năng nhưng sân chơi này không dành cho tất cả mọi người.
Đồng tình, ông Hoàng Tùng, chuyên gia F&B, cũng nhìn nhận khi mua nhượng quyền có tiền thôi là chưa đủ, mà cần sự tập trung, năng lực vận hành, thái độ trong kinh doanh.
Về phía thương hiệu cũng cần phải nhớ hai nguyên tắc cơ bản nhất của nhượng quyền: Hãy chỉ nhượng quyền khi và chỉ khi mô hình đã được chứng minh là thành công ở quy mô chuỗi (ít nhất ba điểm bán) và trong một khoảng thời gian đủ dài (ít nhất trong vòng một năm).
“Đó chỉ là hai yếu tố cơ bản nhất thôi, chưa kể hàng loạt yếu tố cần phải làm rất chi tiết trước khi bạn muốn bán nhượng quyền” - ông nói.
Bên cạnh đó, hiện nay các thương hiệu bán lẻ vẫn ít chuyển đổi số, tức là vận dụng phần mềm để quản lý bán hàng cũng như quản lý đối tác nhượng quyền. Chính vì thế, vẫn thiếu sự sát sao giữa nhà đầu tư và chủ thương hiệu.
Để đầu tư hiệu quả từ nhượng quyền
Để đầu tư hiệu quả từ việc nhượng quyền thương hiệu, chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân góp ý:
Thứ nhất, chọn cách đầu tư phù hợp với khả năng và cam kết của bản thân. 50% thành công của việc chọn cách đầu tư đến từ việc hiểu chính mình và phần còn lại đến từ kỷ luật, cam kết. Chỉ đầu tư tài chính, thuê DN nhượng quyền vận hành hộ, hay đầu tư và tự vận hành phải là quyết định từ chính việc hiểu mình.
Thứ hai, tận dụng nguồn lực và sự hỗ trợ của DN nhượng quyền. Hãy làm bạn với các nhà sáng lập thương hiệu và đội ngũ của họ để tận dụng hết mức có thể các nguồn lực của họ, thay vì tập trung vào việc đàm phán phí nhượng quyền như cách hiểu sai phổ biến hiện nay.
Thứ ba, cộng tác - cộng tác - cộng tác. Các thương hiệu nhượng quyền luôn có chính sách ưu tiên hỗ trợ các đối tác nhượng quyền tích cực, làm tốt vai trò của mình và cộng tác tốt với thương hiệu vì sự thành công chung.