Căng thẳng ngoại giao, ngưng cấp visa qua lại với Mỹ đã làm thị trường Thổ Nhĩ Kỳ bị vùi dập, chao đảo. Từ đầu tuần đến giờ thị trường tài chính Thổ Nhĩ Kỳ chao đảo nặng. Giá cổ phiếu và tỉ giá đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ so với đồng USD giảm mạnh. Chỉ số Borsa Istanbul 100 giảm 3,3%, thiệt hại nặng nhất là cổ phiếu các hãng hàng không, chẳng hạn hãng Turkish Airlines giảm tới 8%. Tỉ giá đồng lira có thời điểm giảm đến 6,6% so với đồng USD. Ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ lệ thuộc rất nhiều vào du khách Mỹ, do đó vụ trả đũa ngưng cấp visa này gây sốc cho các công ty du lịch.
Sốt ruột, hàng loạt doanh nhân hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng mong hai nước giải quyết căng thẳng, vì không chỉ là đồng minh chính trị, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ còn là đồng minh về kinh tế.
Trước áp lực này, Thổ Nhĩ Kỳ vài ngày qua liên tục có nhiều động thái xuống nước, xoa dịu Mỹ. Mới nhất, ngày 11-10, Phó Thủ tướng nước này Mehmet Simsek lên tiếng nhằm giảm sự nghiêm trọng của vụ việc, rằng vụ hai nước trả đũa cùng ngưng cấp visa không cư trú sẽ nhanh chóng được giải quyết êm thấm.
“Chúng tôi không muốn xung đột này tồn tại thêm một giây nào nữa” - ông Simsek phát biểu trong một hội nghị về kinh doanh tại Phòng Thương mại Mỹ ngày 11-10.
Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek xuống nước xoa dịu Mỹ, mong Mỹ nối lại việc cấp visa cho dân Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: REUTERS
Ngày 8-10, Đại sứ quán Mỹ tại Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) thông báo sẽ ngưng cấp mọi loại hình visa không cư trú đến Mỹ cho dân Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này nhằm phản ứng việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một nhân viên ngoại giao làm việc tại lãnh sự quán Mỹ ở Istanbul ngày 4-10 với cáo buộc hoạt động gián điệp. Mỹ nói việc ngưng cấp visa này sẽ kéo dài trong thời gian Mỹ đánh giá lại cam kết an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ với phái bộ ngoại giao của mình. Chỉ vài giờ sau, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố ngưng cấp visa không cư trú với dân Mỹ. Ngày sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại tiếp tục bắt thêm một nhân viên ngoại giao Mỹ.
Lãnh sự quán Mỹ ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 11-10. Ảnh: REUTERS
Sự nhượng bộ của Phó Thủ tướng Simsek thể hiện rõ sự khi nói Thổ Nhĩ Kỳ “ưu tiên hàng đầu” bảo vệ an toàn và an ninh của các nhân viên ngoại giao Mỹ. Theo ông, chuyện bắt giữ nhân viên phái bộ ngoại giao Mỹ chỉ là thủ tục phục vụ điều tra.
Lời ông Simsek trái với lời của Tổng thống Tayyip Erdogan ngày trước đó rằng đã có điệp viên xâm nhập vào phái bộ ngoại giao Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ, không còn công nhận ông John Bass là đại sứ hợp pháp của Mỹ ở nước này, sẽ chẳng có cuộc gặp gỡ nào với ông Bass. Tuy nhiên, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin ông Bass đã có cuộc gặp với các quan chức ngoại giao nước này trong ngày 11-10.
Đại sứ Mỹ John Bass (thứ hai từ phải sang) trong cuộc gặp với truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11-10. Ảnh: REUTERS
Về phần mình, có vẻ Mỹ cũng không mong vụ trả đũa ngoại giao này kéo dài. Gặp mặt truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11-10, Đại sứ Bass nói Mỹ vẫn chờ nước này giải thích chuyện bắt hai nhân viên ngoại giao.
Trong khi đó, điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi ông Cavusoglu cung cấp chứng cứ chứng minh các cáo buộc nhắm vào hai nhân viên ngoại giao Mỹ.
Quan hệ hai nước đồng minh NATO vốn đã không được suôn sẻ từ khi Mỹ hỗ trợ các tay súng người Kurd ở Syria (YPG) và cả việc Mỹ không chịu dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ. Với Thổ Nhĩ Kỳ, YPG là một nhánh của tổ chức khủng bố PKK ở miền Nam nước này hàng thập niên nay đòi ly khai và giáo sĩ Gulen là người đứng sau vụ đảo chính bất thành tháng 7-2016.