Thị trường vàng “nhảy múa” ngày Thần tài

(PLO)- Trước mùng 10 tháng Giêng âm lịch, tức ngày vía Thần tài, các cửa hàng vàng ở TP.HCM và Hà Nội đã hoạt động lại sau kỳ nghỉ Tết, chuẩn bị kỹ theo thông lệ để đón lượng khách khổng lồ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Lâu nay theo thông lệ, trước và trong ngày vía Thần tài, giá vàng thường bị đẩy lên cao. Năm nay, sát ngày vía Thần tài, khảo sát giá vàng ngày 18-2 (mùng 9 tháng Giêng) cho thấy thị trường vẫn mỗi nơi một giá.

Vàng miếng mỗi nơi một giá

Cụ thể, tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), lúc 10 giờ ngày 18-2, vàng miếng SJC niêm yết mua vào 75,8 triệu đồng/lượng, bán ra 78,4 triệu đồng/lượng. Mức giá này giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều mua và giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều bán so với giá chốt phiên hôm trước.

Tại hệ thống cửa hàng vàng Mi Hồng, vàng miếng SJC giảm tới 600.000 đồng mỗi lượng ở cả hai chiều mua - bán, giao dịch ở mức 76,2 - 77,2 triệu đồng/lượng. Tương tự, mức giá bán vàng miếng SJC tại một số tiệm vàng nhỏ lẻ còn mềm hơn, chỉ 76,3-77 triệu đồng/lượng.

p11-h1.jpg
Tại các cửa hàng vàng Mi Hồng, người mua kẻ bán ra vào tấp nập. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chênh lệch giữa giá mua - bán của vàng miếng SJC cũng biến động mạnh, khi có nơi chỉ vênh nhau 700.000 đồng/lượng nhưng có tiệm vàng lại đẩy chênh lệch lên tới 2,6 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, các loại vàng nhẫn tròn trơn, vàng trang sức 24K có nơi tăng 200.000 đồng/lượng, nếu giảm chỉ khoảng 50.000 đồng/lượng so với phiên đóng cửa chiều hôm trước, với giá mua bán phổ biến ở ngưỡng 63,35 - 64,6 triệu đồng/lượng.

Khảo sát sức mua vàng tại một số chợ truyền thống ở quận Bình Thạnh, quận 9 cho thấy nơi đông nghẹt, nơi vắng như chùa Bà Đanh. Đơn cử như tại các cửa hàng vàng Mi Hồng, người mua kẻ bán ra vào tấp nập. Càng gần đến trưa, lượng người đến càng đông nhưng không đến mức xếp hàng mới tới lượt.

Mua vàng cầu may, cầu tài lộc ngày vía Thần tài (mùng 10 tháng Giêng) từ lâu đã là thói quen của nhiều gia đình tại Hà Nội.

Dịp này, theo ghi nhận của PV trên các phố vàng Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), Cầu Giấy (quận Cầu Giấy)... từ ngày 15-2 (tức mùng 6 Tết), khi các cửa hàng mở cửa khai xuân, nhiều người dân Hà Nội đã xếp hàng chờ đến lượt mua vàng.

vàng
Hiếm khách tìm mua vàng miếng SJC mà chủ yếu là vàng nhẫn 9999 hoặc vàng trang sức. Ảnh: Ảnh: HOÀNG GIANG

Đại diện các công ty vàng trang sức cho biết để tránh tình trạng quá tải người mua tại các cơ sở, năm nay bên cạnh hình thức mua vàng trực tiếp thì các công ty vẫn triển khai hình thức mua vàng online.

Theo quản lý cơ sở Bảo Tín Minh Châu trên phố Cầu Giấy, năm nay lượng khách tăng đột biến ngay sau kỳ nghỉ Tết. Sản phẩm nhẫn tròn rồng vàng Thăng Long được khách hàng ưa chuộng, chọn mua. “Có thời điểm với nhẫn tròn trơn loại 1 chỉ, cửa hàng chỉ bán cho mỗi khách hàng một sản phẩm để lấy may và được nhận hàng luôn. Còn khách có nhu cầu mua nhiều sẽ được hẹn đến lấy sau ngày vía Thần tài” - vị này nói.

Chủ tiệm vàng ngại “găm hàng” số lượng lớn

Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, chị Thanh (40 tuổi), quận Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ: “Mua vàng đầu năm chủ yếu là để cầu may nên dù giá vàng tăng hay giảm thì tôi cũng mua”.

Bốn nguyên tắc được nhiều người mua vàng ngày vía Thần tài áp dụng

Thứ nhất, chọn loại vàng như nhẫn tròn trơn hoặc vàng miếng có số seri để dễ xác định chất lượng và có tính thanh khoản cao.

Thứ hai, chú ý đến tuổi vàng khi mua vàng. Tuổi vàng thể hiện qua các con số trên sản phẩm vàng, vàng số 9999 là tuổi vàng đúng chuẩn.

Thứ ba, mua vàng của các doanh nghiệp uy tín và lấy hóa đơn đầy đủ.

Thứ tư, theo tín ngưỡng dân gian, mua 1 chỉ để cầu may, 2 chỉ để cầu phát và 5 chỉ để cầu tài.

Thông thường ngày vía Thần tài rơi vào dịp cuối tuần thì lượng khách sẽ tăng. Tuy vậy, ghi nhận của PV cho thấy tại các cửa hàng vàng, sức mua không cao.

Chia sẻ với PV, bà HT (chủ tiệm vàng ở quận 1) cho biết: Sức mua của người dân năm ngoái đã yếu, năm nay còn yếu hơn. Chúng tôi đã chuẩn bị hàng cho ngày Thần tài từ mùng 6, mùng 7 Tết rồi nhưng số lượng hàng nhập vào chỉ bằng 40%-50% so với năm ngoái.

“Năm ngoái, tiệm nhập vào khoảng 100 miếng vàng Thần tài thì năm nay chỉ lấy về bán khoảng 40-50 miếng. Đặc thù của ngành kinh doanh vàng là mua đứt bán đoạn nên nếu không bán hết số vàng Thần tài thì hoặc phải bán lại cho chành theo thời giá hoặc chấp nhận chôn vốn. Chưa kể, hầu như năm nào sau ngày Thần tài giá vàng đều rớt nên năm nay cả người mua lẫn người bán đều có tâm lý thận trọng hơn” - chủ tiệm vàng cho biết.

Chuyên gia khuyến cáo gì?

Khảo sát một vòng các cửa hàng kinh doanh vàng trên đường Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh (quận 9, TP.HCM) cho thấy dù là nơi đắt khách hay ế ẩm thì điểm chung là rất hiếm khách tìm mua vàng miếng SJC mà chủ yếu là vàng nhẫn 9999 hoặc vàng trang sức.

Tương tự, tại Hà Nội, đại diện cơ sở kinh doanh vàng Bảo Tín Minh Châu cũng cho biết năm Giáp Thìn 2024 nên linh vật vàng hình rồng được nhiều người lựa chọn, còn vàng miếng rất ít người mua.

Về điều này, ông Trần Duy Phương, chuyên gia ngành vàng, nêu quan điểm: “Giữa vàng nhẫn 24K và vàng miếng SJC, tôi chọn mua vàng nhẫn tròn trơn. Bởi đều là vàng 9999 nhưng vàng miếng SJC đang khan hiếm nguồn cung nên chỉ cần lực cầu vượt cung thì sẽ có biến động mạnh về giá. Hoặc nếu nhà đầu tư bán chốt lời vài trăm lượng cũng khiến giá vàng miếng SJC trượt dốc vài triệu đồng mỗi lượng ngay trong phiên.”

Về thời điểm mua vào - bán ra, theo chuyên gia độc lập về vàng Phan Dũng Khánh, người dân nên cẩn trọng bởi giá vàng thường tăng trong dịp này. “Nếu mua vàng thì nên mua trước ngày Thần tài rồi nắm giữ trung hạn hoặc cũng có thể mua trước đó rồi đợi đến ngày Thần tài bán ra để tiền vào gia chủ mới đúng với ý nghĩa của Thần tài” - ông Khánh cho biết.

Ở góc nhìn của nhà đầu tư, ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO của AFA Capital cho rằng quyết định mua hay bán vàng trong ngày Thần tài tùy thuộc vào mục đích của mỗi người: Mua vàng để đầu tư hay mua để lấy may. Nếu để lấy may thì nên mua với số lượng ít. Còn mua vàng để đầu tư thì phải tính toán đầu tư ngắn hay dài hạn.

Theo ông Tuấn, nguyên tắc của đầu tư là khi nào rẻ thì mua chứ không nhất thiết phải vào ngày Thần tài, thậm chí không nên mua vào ngày Thần tài vì vàng sẽ rất đắt đỏ. Đối với người kinh doanh ngắn hạn, họ còn bán vàng trong ngày Thần tài, sau đó mua lại.

Năm nay, theo dự báo trước đó, nếu lực bán chốt lời lớn thì giá vàng miếng SJC còn tiếp tục giảm trong những ngày tới. Đồng thời, theo thông lệ thì ngay sau đó giá vàng lại tuột dốc. Vì vậy với người có ý định đầu tư, các chuyên gia khuyến cáo không nên tích trữ vàng vào ngày này mà chỉ nên mua ít với quan niệm cầu may mắn, tài lộc.

Quý I-2024, NHNN đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15-2 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương tổng kết Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I-2024.

Từ cuối năm 2023 đến nay, Thủ tướng đã liên tục chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước cần phải đánh giá và xem xét lại thị trường vàng.

Theo đó, vào tháng 12-2023, khi giá vàng SJC phá vỡ mốc lịch sử 80,30 triệu đồng/lượng thì vào ngày 27-12-2023, Thủ tướng ký ban hành Công điện số 1426, trong đó có yêu cầu xem xét sửa đổi Nghị định 24/2012.

Trong tháng 1-2024, tại Nghị quyết 20/2024, Thủ tướng yêu cầu tổng kết Nghị định 24 về quản lý vàng trong quý I-2024, Chính phủ cũng đã chỉ đạo NHNN theo dõi chặt chẽ diễn biến giá vàng thế giới và trong nước.

Việc này nhằm kịp thời thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường vàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1426/2023, cũng như tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong mua, bán vàng, ngoại tệ và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.

11-Hinh Box.jpg
Người dân mang tiền mặt đến cửa hàng mua vàng vào ngày vía Thần tài ở Hà Nội.
Ảnh: MINH TRÚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm