Thi vào lớp 6 căng thẳng hơn đại học


Phụ huynh Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5, TP.HCM) dặn dò con trước trường thi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Hà Nội năm nay tăng khoảng 22.000 học sinh (HS) vào lớp 6 so với các năm trước khiến việc thi tuyển vào trường THCS, đặc biệt ở những trường danh tiếng trở thành một cuộc đua gắt gao.

Theo ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT Hà Nội, về nguyên tắc, do đây là cấp học phổ cập nên các trường THCS công lập trên địa bàn đều phải bố trí đủ chỗ học cho HS đúng tuyến. Tuy nhiên, với những trường chất lượng cao và ngoài công lập có tiếng, vốn đã căng thẳng sẽ càng gắt gao hơn.

Suất vào lớp 6 khó khăn

Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam sẽ tuyển 200 chỉ tiêu vào lớp 6 với 2 vòng sơ tuyển và thi tuyển. Chỉ những HS giỏi 4 năm liền ở bậc tiểu học, tổng điểm thi học kỳ 2 lớp 5 hai môn toán và tiếng Việt phải đạt từ 19 điểm trở lên mới được dự thi. Đề thi, hình thức thi của trường đều do Sở GD-ĐT quyết định và Sở luôn khẳng định đề thi chủ yếu nằm trong kiến thức chương trình lớp 5. Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên có kinh nghiệm, dù là HS giỏi theo cách đánh giá của chương trình mà không luyện thi theo kiểu “gà nòi” cũng sẽ không thể làm được bài thi tuyển sinh của trường này.

Một phụ huynh chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp ĐH Ngoại thương nhưng xem đề thi toán của trường cũng… toát mồ hôi. Kiến thức có thể không vượt quá chương trình nhưng cách hỏi lắt léo, đánh đố HS mà nếu không luyện quen dạng đề này thì có thể khẳng định không làm nổi”.

Trường THCS Cầu Giấy là trường công lập hoạt động theo mô hình chất lượng cao và việc tuyển sinh đầu vào được đánh giá là căng thẳng chỉ sau Trường Hà Nội - Amsterdam. HS có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội và đạt loại giỏi cả 5 năm mới được tham gia thi tuyển. Dù tuyển HS toàn thành phố nhưng chỉ tiêu vào lớp 6 năm nay của trường cũng dự kiến chỉ hơn 200.

Trường dân lập Marie Curie những năm trước thường có tỷ lệ “chọi” là 1/20, nghĩa là 1 HS phải vượt qua khoảng 20 bạn để vào được lớp 6. Năm nay, do chuyển sang cơ sở mới hiện đại nên mức học phí của trường tăng lên “chóng mặt”, từ hơn 8 triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng/HS/tháng. Như vậy, để vào được trường này, HS phải đảm bảo 2 yếu tố: vừa học giỏi, vừa là… con nhà giàu.

Giai đoạn ôn thi nước rút

Thời điểm này là giai đoạn “nước rút” đối với HS lớp 5 thi vào lớp 6. Một mặt phải lo ôn tập kiểm tra học kỳ 2 để có điểm thi đạt HS giỏi, đủ điều kiện dự thi vào các trường danh tiếng; mặt khác lại phải dồn sức cho cuộc thi vào lớp 6.

Không ít gia đình cho con dự thi vào 3 - 4 trường khác nhau nên việc ôn thi càng trở nên vất vả. Một phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Nam Thành Công, Q.Đống Đa cho hay: “Vì mỗi trường có cách ra đề khác nhau nên phải luyện thi theo dạng đề của từng trường. Vì vậy các cháu thi nhiều trường sẽ phải học thêm kín lịch cả tuần và căng hơn cả ôn thi vào đại học”.

Tất cả các trường tổ chức thi tuyển đều khẳng định nhà trường không tổ chức luyện thi. Tuy nhiên, thực tế giáo viên của các trường này mở “lò luyện thi” ở khắp nơi với tần suất không thể… cao hơn.

 

“Muốn con học trường ngon”

Khoảng 10 năm nay đã không còn mô hình trường chuyên ở bậc THCS tại TP.HCM nhưng sức hút vào những trường trước đây thực hiện mô hình này chưa khi nào “hạ nhiệt”.

Lúc đó, để vào học những trường như THCS Nguyễn Du (Q.1), Vân Đồn (Q.4), Hồng Bàng (Q.5), Nguyễn Văn Tố (Q.10), Cầu Kiệu (Q.Phú Nhuận)... HS phải trải qua một kỳ thi tuyển riêng. Sau này khi tổ chức lại như các trường THCS bình thường, những trường nói trên tuyển HS theo nguyên tắc phân tuyến địa bàn cư trú. Tuy nhiên điều này cũng không làm các trường ấy mất sức hút. Trước thực tế nhiều phụ huynh mong muốn con em được vào “trường điểm”, các trường trên đưa ra quy định HS không đúng tuyến nếu muốn vào học phải đáp ứng điều kiện về học lực, chẳng hạn 5 năm liền là HS giỏi và có tổng điểm kiểm tra học kỳ 2 môn toán, tiếng Việt thường là 20 điểm.

Đến lúc này, áp lực lại đổ dồn vào bài kiểm tra học kỳ 2 của HS lớp 5 cho dù Sở GD-ĐT TP.HCM đã giao quyền tổ chức kỳ kiểm tra này về các quận huyện.

Ông N.H.V, phụ huynh ở Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5) cho biết: “Con tôi 4 năm liền là học sinh giỏi. Mong lớp 5 con thi tốt và đạt điểm cao để dễ xin vào Trường Kim Đồng. Tôi cũng đang nhờ người quen xin giùm”. Theo phụ huynh này, để con đạt kết quả tốt ở lớp 5, ông đã cho con học thêm từ thứ hai đến thứ bảy. Tương tự, chị Đ.N, một phụ huynh của Trường Trần Bình Trọng nói: “Hổm rày tôi cũng đang lân la tìm cách xin cho con sang Trường THCS Hồng Bàng. Nghe nói trường đúng tuyến của con có nhiều HS cá biệt lắm nên tôi rất lo”.

Để con được học trường THCS như mình mong muốn, một phụ huynh của Q.Tân Bình gần một tháng nay tập trung mọi nỗ lực ôn tập cho con. Một phụ huynh tại Q.3 muốn cho con mình vào học một trường có tiếng của quận nên gần tháng nay lo lắng: “Trường đó khác tuyến nên cháu phải đạt 20 điểm/2 môn may ra mới có cơ hội. Chỉ cần một môn lơ là thì nguy hiểm”, phụ huynh này nói.

Cha mẹ lo lắng là vậy, còn HS thì rất đơn giản. Chúng tôi hỏi một HS của Trường tiểu học Trần Bình Trọng khi vừa hết giờ làm bài môn tiếng Việt, “Con tính vào học lớp 6 trường nào?”, em nói: “Con không biết”. Còn một HS của Q.Tân Bình cho rằng chỉ mong vào học lớp 6 cùng nhóm bạn của mình và không có ý thức phải vào trường điểm để học dù học lực giỏi.

Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD Q.5 cho biết: “Tâm lý của phụ huynh là cứ muốn cho con vào những trường mà theo họ trước kia rất tốt. Từ đó sinh ra chuyện ép con học để đạt kết quả tốt và tìm cách chạy trường. HS từ lớp 5 lên lớp 6 đã phân theo tuyến, 2 môn thi chỉ cần 10 điểm là được vào các trường theo tuyến, phụ huynh đừng quá lo lắng, ép con cái hoặc chạy trường chỉ làm khổ các con và bản thân mình”.

M.Luân - B.Thanh

Theo Tuệ Nguyễn (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới