Chiều 17-5, UBND huyện Định Quán (Đồng Nai) đã có báo cáo về hiện tượng cá chết hàng loạt tại làng cá bè La Ngà (lòng hồ Trị An, huyện Định Quán). Theo ghi nhận ban đầu, khoảng 16 hộ nuôi cá bị thiệt hại khoảng 338 tấn với các loại cá lăng, cá chép, điêu hồng, cá mè.
Nợ lại chồng nợ
Theo cơ quan chức năng, vào đêm 15 và rạng sáng 16-5, sau cơn mưa lớn khoảng năm giờ đồng hồ thì các hộ dân nuôi cá bè trên sông phát hiện cá lờ đờ nổi lên mặt nước, có hiện tượng thiếu ôxy và bắt đầu chết hàng loạt.
Ngày 17-5, PV Pháp Luật TP.HCMcó mặt tại làng cá bè La Ngà để ghi nhận tình hình thiệt hại. Nói với PV, ông Ngô Văn Thái, người nuôi cá bè ở xã La Ngà, cho biết ông đã tìm mọi cách để cứu đàn cá nhưng mọi việc xảy ra quá nhanh, ông Thái bất lực nhìn cả gia sản nổi trắng lồng. “Mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến cá chết hàng loạt. Số cá chết đa phần chuẩn bị xuất bán và có giá cao” - ông Thái nói.
Một người đàn ông tên Sáu nói gia đình ông là một trong những hộ bị thiệt hại nặng với hàng chục tấn cá chết. Ông Sáu cho biết tiền vay mua cá giống chưa trả hết nên cả gia đình hy vọng tháng sau lên cá bán để trả nợ. “Bây giờ cá chết trắng, nợ lại chồng nợ, không biết bao giờ trả nổi” - ông Sáu than.
Theo người dân, khi phát hiện cá chết bất thường, các hộ nuôi cá đã thực hiện nhiều biện pháp như mở máy sục khí ôxy, cắt thả lồng bè trôi về phía hạ nguồn cầu La Ngà… nhưng cá chết vẫn ngày một nhiều.
“Nhìn cá chết trắng lồng bè, lòng chúng tôi đau như cắt. Để vớt vát, chúng tôi bán vội cho thương lái số cá còn lại với giá 15.000-40.000 đồng/kg tùy loại, thấp hơn rất nhiều so với giá thu hoạch thường là 80.000-100.000 đồng/kg”.
“Nhìn cảnh cá chết hàng loạt mà lòng chúng tôi đau như cắt”. Ảnh: VŨ HỘI
Huyện đã khuyến cáo
Sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện Định Quán đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, Chi cục Thủy sản, Chi cục Bảo vệ môi trường đề nghị đến điều tra để xác định nguyên nhân khiến cá bè nuôi chết hàng loạt trên sông La Ngà.
“Tình trạng cá bè nuôi bị chết hàng loạt thường xảy ra ở thời điểm giao mùa giữa mùa khô sang mùa mưa. Thời điểm này nước sông xuống cạn, khi xảy ra mưa lớn làm nước từ đất liền chảy xuống trong khi số lượng bè nuôi cá dày làm lượng ôxy trong nước tụt giảm dẫn đến cá chết” - Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán Ngô Tấn Tài cho biết và nhận định.
Trả lời câu hỏi năm nào cũng có hiện tượng này, sao ngành chức năng không tiên liệu, khắc phục để giảm thiệt hại cho dân, ông Tài cho biết: “Chúng tôi đã có khuyến cáo, tuyên truyền các hộ nuôi cá thực hiện kế hoạch giảm đàn, giảm mật độ nuôi, khẩn trương bán các loại cá đến mùa thu hoạch nên số lượng cá chết có giảm so với năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn các hộ chưa kịp bán nên bị thiệt hại”.
Cùng ngày, tổ công tác của Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Đồng Nai đã có mặt tại hiện trường, phối hợp với cán bộ Sở TN&MT, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai và UBND huyện Định Quán tiến hành lấy mẫu nước, mẫu cá để phân tích, điều tra làm rõ nguyên nhân.
“Phải chờ vài ngày nữa mới có kết luận chính xác nguyên nhân. Bước đầu có thể nhận định do sau trận mưa, nước bẩn đầu nguồn chảy về khiến cá thiếu ôxy, dẫn đến ngộp thở và chết với số lượng lớn” - một cán bộ cảnh sát môi trường cho biết.
Năm 2018: Gần 2.000 tấn cá chết Đúng tháng 5 năm ngoái, hiện tượng cá chết hàng loạt cũng đã xảy ra trên sông La Ngà khiến 129 hộ nuôi cá của hai xã La Ngà (52 hộ), Phú Ngọc (77 hộ) bị thiệt hại nặng với gần 2.000 tấn cá. Chính quyền đã hỗ trợ người dân bị thiệt hại gần 12,3 tỉ đồng, trích từ nguồn dự phòng của ngân sách huyện Định Quán. Lãnh đạo huyện Định Quán đã chỉ đạo ban, ngành liên quan khảo sát những vị trí có nguồn thải đổ ra lòng hồ Trị An để tìm nguyên nhân và khắc phục. |