và ban tổ chức show diễn đã gây ồn ào dư luận với rất nhiều tranh cãi “ném đá” vào nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC, đồng thời để lộ ra nhiều vấn đề trong chuyện thu tiền tác quyền tác giả âm nhạc ở Việt Nam.
Khi bay vào Đà Nẵng đòi tiền tác quyền chương trình của Khánh Ly trong đêm diễn 8-8, rất nhiều người vẫn “ném đá” Phó Đức Phương vì cho rằng ông chai mặt đi đòi tiền hoài và cò kè tiền tác quyền như mua mớ rau, con cá cho một hoạt động văn hóa. Song với lần này, có thể thấy ông Phương đã bị “ném đá” oan. Thương trường như chiến trường, cho dù ông Phương là nhạc sĩ mà đi đòi hoài khoản tiền ông có quyền lợi, trách nhiệm đòi là bình thường. Vấn đề ở đây là luật pháp và cách thu tiền tác quyền âm nhạc nên như thế nào để hạn chế tối đa việc nổ ra những cuộc chiến tác quyền và những cuộc cò kè mặc cả gây mất cảm tình, cảm xúc âm nhạc trong công chúng.
Hiện đang tồn tại vấn đề là cả giới nhạc sĩ lẫn giới tổ chức biểu diễn đều không hài lòng cách thu tiền-chi tiền tác quyền của VCPMC.Do các đơn vị tổ chức biểu diễn thường làm lơ chuyện trả tác quyền nên dù rất phàn nàn chuyện nhận được số tiền quá ít trên số thu được của VCPMC, nhiều nhạc sĩ vẫn phải chịu vì có còn hơn không. Hiện cũng đang tồn tại nhiều cách thức khác nhau về cấp giấy phép biểu diễn liên quan đến chuyện tác quyền ở nhiều địa phương. Tại một số tỉnh, thành như Hà Nội, Đà Nẵng, chỉ cần nhà tổ chức cam kết trả tiền tác quyền là được cấp giấy phép. Song tại TP.HCM, muốn được cấp giấy phép biểu diễn phải có giấy xác nhận đã thanh toán, thỏa thuận tác quyền. Vậy nên các đơn vị tổ chức biểu diễn và ca sĩ, có rất nhiều trường hợp để có được tấm giấy chứng nhận đã trả tác quyền để lấy giấy phép biểu diễn đã nhắm mắt tìm đến VCPMC trả tiền tác quyền cho nơi này, dù rằng có những nhạc sĩ không hề ủy quyền cho VCPMC; hay trả đại cho yên chuyện khi VCPMC đòi tiền của những tác giả không liên quan gì đến mình. Số tiền thu được tính bằng chục tỉ hằng năm, trong đó có khá nhiều tiền không rõ địa chỉ không ai thực rõ VCPMC sử dụng như thế nào. Cách tính tác quyền lên xuống thất thường tùy thuộc vào sự trả giá của đối tác của VCPMC cũng tạo ra nhiều cuộc chiến tạo sóng gió dư luận như câu chuyện vừa qua.
Giới làm nghề ca nhạc lẫn công chúng tự hỏi rằng nếu đã có quy định về chuyện thanh toán tác quyền để cấp giấy phép biểu diễn, tại sao cơ quan chức năng nhà nước không lập ra một đơn vị thu nhận tác quyền theo quy định pháp luật bên cạnh các đơn vị thu tác quyền tư nhân như VCPMC để những ai muốn thực thi tác quyền với các tác giả không thể liên hệ tìm đến đó nộp tiền vào kho bạc nhà nước cho khỏi ấm ức số tiền mình đóng đã đi về đâu. Tại sao không tạo điều kiện cho nhiều trung tâm thu tiền tác quyền hơn ra đời ngoài VCPMC. Với VCPMC, giới làm nghề cũng mong thấy rằng nơi này có cách hoạt động văn minh hơn với biểu giá trần hợp lý và trình bày việc thu chi rõ ràng qua danh sách các nhạc sĩ đã thu nhận tiền thế nào qua trang mạng của mình. Có như thế việc thực thi tác quyền sẽ thêm tự giác hơn ở những nhà tổ chức vì nó dễ dàng và không cảm thấy bị bắt chẹt để né tránh bằng nhiều cách.
TÂM KHANH