Dư luận đang quan tâm đến thông tin ca sĩ Khánh Ly vừa gửi về nước tài liệu thể hiện nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đồng ý cho Khánh Ly sử dụng tác phẩm của mình với giá trị tác quyền là 5.000 USD.
Là ý chí của tác giả
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng thời gian giấy này được lập là vào ngày 22-5-2000 nên khi xét tính pháp lý của nó phải áp dụng theo BLDS năm 1995.
Theo Điều 767 BLDS năm 1995 thì “Hợp đồng sử dụng tác phẩm là sự thỏa thuận giữa tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm về việc chuyển giao tác phẩm thuộc sở hữu của mình cho cá nhân, tổ chức khác (gọi là bên sử dụng tác phẩm) sử dụng tác phẩm. Hợp đồng sử dụng tác phẩm phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Văn bản này nếu thực sự của Trịnh Công Sơn thì đã đáp ứng quy định này.
TS Lê Nết, chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, phân tích thêm: “Giấy này có giá trị về mặt pháp lý bởi nó tuân thủ quy định hình thức theo Điều 133 BLDS năm 1995. Theo đó, giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Luật Dân sự không buộc hình thức văn bản trong trường hợp này phải có công chứng, chứng thực hay có người làm chứng. Như vậy vấn đề còn lại là ý chí của tác giả về những bài hát của mình. Nếu giám định chữ viết đó là của Trịnh Công Sơn thì ông viết mấy dòng này thể hiện ý chí của mình dành cho Khánh Ly quyền sử dụng những bài hát của ông. Ý chí, sự định đoạt của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cần được tôn trọng bởi nó thuộc về quyền của tác giả đối với tác phẩm của mình. Điều này không nằm trong di sản mà những người thừa kế của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được hưởng. bởi nó đã được định đoạt khi nhạc sĩ còn sống”.
Ảnh Khánh Ly viếng mộ Trịnh Công Sơn vào ngày 1-5 vừa qua và bút tích của nhạc sĩ họ Trịnh cho Khánh Ly hát nhạc của mình. Ảnh:CAO TRUNG HIẾU
Tờ giấy thỏa thuận tác quyền của Trịnh Công Sơn.
Có giá trị pháp lý tại nhiều nước
Luật sư Khưu Thanh Tâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Là tác giả của các ca khúc được Khánh Ly sử dụng, nhạc sĩ có quyền định đoạt (tặng, cho, bán, hủy bỏ,…) các tác phẩm của mình. Dù nhạc sĩ Trịnh đã qua đời thì tờ giấy này vẫn phát sinh hiệu lực pháp lý.
TS Phan Ngọc Tâm, giảng viên môn Luật sở hữu trí tuệ, ĐH Luật TP.HCM, phân tích thêm dưới góc độ của Luật Dân sự, tờ giấy ca sĩ Khánh Ly đưa ra được coi là một thỏa thuận giữa tác giả với người sử dụng tác phẩm. Trong đó, nội dung chỉ thể hiện ca sĩ Khánh Ly được quyền sử dụng bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chứ không nói rõ ca sĩ Khánh Ly được sử dụng bao nhiêu bài hát và hát trong thời gian bao lâu. Do vậy phải hiểu là tác giả không có giới hạn đối với ca sĩ Khánh Ly, bà có quyền hát tất cả bài hát của tác giả đến cuối đời mình.
Một vấn đề khác được đặt ra là ca sĩ Khánh Ly có quyền hát những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà không phải trả thêm tiền tác quyền ở Mỹ hay các nước khác trên thế giới hay không? Việt Nam và Mỹ đã ký kết với nhau Hiệp định bản quyền vào năm 1997 và sau đó Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2000 cũng bổ sung thêm một số nội dung, trong đó có nội dung liên quan đến việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Do vậy thỏa thuận giữa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly có giá trị thực thi tại Mỹ. Rộng hơn nữa, Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật mà Việt Nam chúng ta tham gia năm 2004 cho phép Khánh Ly được biểu diễn các bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên lãnh thổ các nước thành viên tham gia Công ước Berne.
HỒNG TÚ - KIM PHỤNG
Nếu giấy này có giá trị pháp lý thì đương nhiên Khánh Ly không phải trả tiền tác quyền khi sử dụng những bài hát của Trịnh Công Sơn cũng như không phải trả tiền này cho những người thừa kế của nhạc sĩ. Đồng thời, đơn vị tổ chức cho Khánh Ly hát cũng không phải trả tiền tác quyền. Còn việc họ thỏa thuận trả tiền cho Trung tâm Bảo hộ quyền tác giả âm nhạc thì đó là quan hệ giữa hai bên. Mặt khác, việc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho Khánh Ly sử dụng bài hát của ông ấy thì Khánh Ly được sử dụng chứ không được quyền gì khác. Những người khác hát nhạc Trịnh cũng không cần hỏi ý kiến của Khánh Ly. Tôi được biết giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với ca sĩ Khánh Ly có mối quan hệ thân thiết, bên cạnh đó ca sĩ Khánh Ly là người được đánh giá thể hiện thành công nhất những sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nên việc nhạc sĩ Trịnh chỉ nhận tiền tác quyền có giá trị 5.000 USD cũng là điều bình thường. Thậm chí, nếu nhạc sĩ Trịnh có tặng không tôi cũng không thấy có gì lạ. TS LÊ NẾT Điều 768 BLDS quy định nội dung chủ yếu của hợp đồng sử dụng tác phẩm cần phải có: 1- Hình thức sử dụng tác phẩm; 2- Phạm vi, thời hạn sử dụng tác phẩm; 3- Mức nhuận bút hoặc thù lao và phương thức thanh toán; 4- Trách nhiệm của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng. Giấy này có nội dung, có đối tượng, có phạm vi, có thù lao tác quyền và rõ ràng. Tôi cho rằng như thế đã là ổn. Luật sư LÊ VĂN HOAN |