Ca sĩ Khánh Ly viếng mộ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một lần về Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trang
Liên quan đến việc chi trả tác quyền âm nhạc của Trung tâm bảo hộ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) với đại diện chương trình ca nhạc Khánh Ly, chiều 27-8, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức gặp mặt 2 bên để giải quyết. Theo ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL, tại cuộc họp hai bên đã thống nhất Công ty Đồng Dao phải trả 2 chương trình Khánh Ly tại Hà Nội và Đà Nẵng đã diễn ra trong tháng 8/2014 cho VCPMC số tiền 250 triệu đồng. Ông Thành còn cho biết thêm: Hai bên đều rất hợp tác và đồng thuận với nhau!
Những tưởng, lùm xùm quanh tác quyền vị nhạc sĩ tài hoa sẽ khép lại thì bất ngờ, ngày 28-8, truyền thông lại một phen xôn xao khi kèm bài viết tâm sự của mình, Khánh Ly đã trưng ra bút tích viết tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho phép bà sử dụng các bài hát của mình với giá 5.000 USD. Tờ giấy này được nhạc sĩ ký vào ngày 22-5-2000.
Bút tích của cố nhạc sĩ cho phép ca sĩ Khánh Ly hát nhạc của mình
Trước thông tin này, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC lập tức lên tiếng. Theo ông, nội dung văn bản mơ hồ vì không có thời hạn, phạm vi cụ thể nên không thể nói nó có liên quan đến những ồn ào vừa qua. Chưa kể, tờ giấy ấy có thể chỉ dành cho một chương trình cụ thể nào đó chứ không hàm ý tất cả các chương trình với thời hạn “vô biên”.
Cũng theo thông tin từ VCPMC, nhiều năm nay, trung tâm Thúy Nga Paris ở hải ngoại cũng trả tác quyền ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho việc sao chép băng đĩa, trong đó có cả phần Khánh Ly biểu diễn trên sân khấu.
Nhiều người cho rằng tính pháp lý của giấy viết tay mà ca sĩ Khánh Ly công bố khá quan trọng vì nếu nội dung trong đó được xác nhận rằng ca sĩ Khánh Ly có thể sử dụng tất cả các ca khúc của ông ở bất kỳ đâu, bất kỳ chương trình nào trong khoảng thời gian không xác định thì mọi thứ sẽ khác, và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc Đồng Dao có phải trả tiền cho VCPMC hay không.
Trả lời trên báo điện tử Một thế giới, Luật sư Lê Quang Vy – Văn phòng luật Việt Long Thăng, cho rằng điều này là không thể nếu căn cứ vào nội dung quá sơ sài trong giấy. “Đó là chưa kể phải xác định xem người sử dụng trong chương trình đó là ai, là Khánh Ly hay công ty Đồng Dao. Ở góc độ của VCPMC, họ hoàn toàn có quyền cho rằng đối tượng sử dụng ca khúc Trịnh Công Sơn ở đây là Đồng Dao, và trong thời gian qua họ chỉ đòi tiền tác quyền từ đối tượng này mà không phải Khánh Ly, thì dù nội dung giấy viết tay kia có là hợp pháp đi nữa cũng không liên quan”, ông Lê Quang Vy phân tích.
Tương tự, cũng trên Một thế giới, luật sư Nguyễn Kiều Hưng ở hãng luật Giải Phóng cũng cho rằng văn bản này không có giá trị pháp lý. Theo luật sư Hưng, thời điểm lập văn bản là năm 2000, nên giao dịch giữa cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự năm 1995. Theo bộ luật này, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền chuyển giao một phần hoặc toàn bộ các quyền tài sản cho người khác theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật về thừa kế. Tuy nhiên, bút tích lập ngày 22-5-2000 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất chung chung, không tuân thủ hình thức của giao dịch là hợp đồng quy định tại điều 767 bộ luật này, nên không có giá trị.
Mặt khác, theo vị luật sư này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chết, nên giao dịch này đã chấm dứt. Bút tích bản tiếng Anh có công chứng không có giá trị về nội dung, vì nó chỉ là bản dịch công chứng.
Bản dịch tiếng Anh có công chứng
Tuy nhiên, trả lời PLO về vấn đề này chiều 28-8, Ths. Nguyễn Xuân Quang, Giảng viên Luật dân sự, đại học Luật TP.HCM lại có quan điểm ngược lại. "Nhiều ý kiến cho rằng giấy này không có giá trị, tôi không thống nhất với các ý kiến đó”- ông nói.
Theo ông Quang, mặc dù đó chỉ là tờ giấy viết tay từ năm 2000 lúc cố nhạc sĩ còn sống nhưng nội dung đó thể hiện được ý chí của nhạc sĩ về quyền tác quyền của mình. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có đầy đủ quyền, trong đó có quyền định đoạt đối với tác phẩm do mình sáng tác. Ông có thể thu tiền tác quyền, có thể tặng không cho bất kỳ ai nếu ông thích. Căn cứ các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, tại Điều 122 về Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, Điều 404 về thời điểm giao kết hợp đồng dân sự, Điều 405 về hiệu lực của hợp đồng dân sự, giấy viết tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có giá trị pháp lý trong vụ việc này.
Với những thông tin mới xuất hiện như trên, có vẻ như lời nói của ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL có vẻ “linh nghiệm”: “Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ quy định khá chặt chẽ, nhưng vì mặc cả tác quyền là dân sự, nên Thanh tra đã quá quen với việc này. Nếu thực sự không hài lòng với cách giải quyết và hòa giải của Thanh tra Bộ, các bên liên quan có thể khởi kiện đối tác ra tòa”!
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những phân tích của các chuyên gia về vấn đề pháp lý thú vị này.