Cần tôn trọng ý chí của Trịnh Công Sơn

Trong bài “Giấy tác quyền của Trịnh Công Sơn có giá trị pháp lý” đăng trên số báo ngày 29-8, chúng tôi nêu nhận định, phân tích của một số luật sư, chuyên gia pháp lý theo hướng văn bản, trong đó nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xác nhận cho phép ca sĩ Khánh Ly được sử dụng bài hát của mình có giá trị pháp lý. Sau đó, chúng tôi lại nhận được một số ý kiến lý giải, phân tích theo hướng khác.

Không có giá trị vì không theo mẫu hợp đồng

 Một luật sư cho rằng tờ giấy tác quyền nêu trên không có giá trị pháp lý cả về hình thức lẫn nội dung. Bởi theo Điều 768 Bộ luật Dân sự năm 1995, tùy theo từng loại hợp đồng sử dụng tác phẩm, các bên thỏa thuận những nội dung chủ yếu sau đây: 1- Hình thức sử dụng tác phẩm; 2- Phạm vi, thời hạn sử dụng tác phẩm; 3- Mức nhuận bút hoặc thù lao và phương thức thanh toán; 4- Trách nhiệm của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng; 5- Các nội dung khác do các bên thỏa thuận. Văn bản của Trịnh Công Sơn không thể hiện đầy đủ các nội dung này, nhất là không có nội dung “phạm vi và thời hạn sử dụng tác phẩm”.

Về hình thức, tại khoản 4 Điều 131 BLDS 1995, một trong những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là: “Hình thức giao dịch phải phù hợp với quy định của pháp luật”. Chi tiết hơn, tại Điều 15 Nghị định 76/1996 đã nêu rõ: “Hợp đồng sử dụng tác phẩm phải được ký kết phù hợp với các quy định tại các Điều 767, 768 của bộ luật và phải theo mẫu hợp đồng sử dụng tác phẩm do Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành”. Trong khi đó văn bản của Trịnh Công Sơn do ông viết rất sơ sài. Như vậy, một văn bản vừa không đáp ứng điều kiện về hình thức, vừa thiếu về nội dung thì không có giá trị.

Ca sĩ Khánh Ly một lần đến viếng mộ Trịnh Công Sơn vào tháng 5-2014. Ảnh: CAO TRUNG HIẾU

Hành vi đơn phương của một bên vẫn có giá trị pháp lý

Một chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cho rằng tờ giấy tác quyền của Trịnh Công Sơn không phải là hợp đồng sử dụng tác phẩm. Điều 131 BLDS quy định “giao dịch dân sự là hành vi pháp lý đơn phương hoặc hợp đồng của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Đối chiếu với trường hợp trên thì giấy này có thể xem là hành vi đơn phương của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bởi ông đã khẳng định tôi cho phép không cần phía bên kia có đồng ý hay không. Nó thể hiện thái độ, ý chí của người có quyền đối với tác phẩm âm nhạc của mình.

Đồng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, nhận định: “Hợp đồng phải là sự thỏa thuận giữa các bên, phải thể hiện quyền, nghĩa vụ và những cam kết, có sự đồng thuận giữa các bên. Còn ở đây chỉ là hành vi cho phép đơn phương của tác giả. Điều này thể hiện rất rõ qua lời viết: “Tôi là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đồng ý cho Khánh Ly…”. Qua văn bản, Trịnh Công Sơn thể hiện ý chí “tôi cho” còn Khánh Ly có nhận hay không là quyền của cô ấy. Mà Khánh Ly có nhận hay không nhận cũng không thể hiện trong văn bản này nên không thể nói đây là một hợp đồng”.

Luật sư Hậu trích dẫn thêm điểm d khoản 1 Điều 751 Bộ luật Dân sự năm 1995, quy định rằng tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có quyền “cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm của mình”. Mặt khác, theo văn bản mà Khánh Ly cung cấp thể hiện rõ nội dung là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho phép Khánh Ly sử dụng bài hát của mình mà không có sự giới hạn về số lần sử dụng, thời gian sử dụng, không gian sử dụng là ở đâu, bao nhiêu năm.

KIM PHỤNG

Tờ giấy tác quyền của Trịnh Công Sơn đương nhiên là có giá trị pháp lý. Đây không phải là hợp đồng, mà là tuyên bố đơn phương ý chí của Trịnh Công Sơn cho cô Khánh Ly. Ông ta có quyền cho ai bất kỳ như ông muốn, chỉ có ông mới có quyền duy nhất quyết định, ai sử dụng, lấy phí hay không; không có chuẩn mực nào bắt ông phải theo. Tuyên bố đơn phương luôn luôn có hiệu lực cho đến khi người đó rút lại.

GS-TS NGUYỄN VÂN NAM

Khoản 2 Điều 767 BLDS 1995 quy định hợp đồng sử dụng tác phẩm phải được lập thành văn bản (với những đòi hỏi về nội dung và hình thức), “trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Theo luật sư Hoan: “Tờ giấy thỏa thuận của Trịnh Công Sơn cho phép Khánh Ly sử dụng bài hát của mình có thể được hiểu là “trường hợp có thỏa thuận khác”. Giấy này có nội dung cụ thể nên có thể chấp nhận”. Luật sư Hoan nói thêm: “Giữa họ có mối quan hệ thân thích (Khánh Ly tự nhận họ là hình - bóng) nên có thể hiểu rằng khi đặt bút viết những dòng này có lẽ cố nhạc sĩ đã dành cho Khánh Ly một cái gì đó riêng và rất riêng chỉ cho Khánh Ly chứ không phải bất kỳ ai khác”.

Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM)

“Hochiminhcity may 22.2000.

Tôi là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đồng ý cho Khánh Ly sử dụng những bài hát của tôi. Tiền tác quyền là 5.000 USD…”. (Trích bút tích của nhạc sĩ họ Trịnh để lại)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm