Hôm nay (3-3), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2023.
Theo chương trình, tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2023, triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, ba chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới; thực trạng tình hình thị trường quốc tế và trong nước, các nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu.
Chính phủ cũng thảo luận về tình hình thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Những ngày qua, vấn đề thiếu hóa chất, vật tư y tế luôn được các bệnh viện đặt ra với các cấp, các ngành, nhiều bệnh viện liên tục trong tình trạng "loay hoay".
Từ 1-3, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã phải tạm ngưng mổ phiên, có khoa trên lịch mổ gần 20 ca nhưng chỉ 6 ca được duyệt.
Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hai năm nay phải đắp chiếu máy chụp PET, thiết bị xạ phẫu, hai robot phẫu thuật... vì chưa có chính sách để sử dụng.
Tình trạng thiếu vật tư, thiết bị y tế đang xảy ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Dù có tất cả 6 máy chụp CT scanner (cắt lớp vi tính) nhưng đến nay chỉ 1 máy hoạt động hết công suất. Vì vậy mỗi ngày có hơn 400 ca được chỉ định qua bệnh viện khác trong TP để chụp CT.
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM có báo cáo gửi Bộ Y tế về đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 5-11-2022 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Theo đó, các cơ sở y tế đã cố gắng, nỗ lực thực hiện các giải pháp để mua sắm thuốc, sửa chữa trang thiết bị. Tuy nhiên, các cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong mua sắm và sửa chữa trang thiết bị y tế vì rất nhiều nguyên nhân. Trong đó có lý do không xác định được giá dự toán của gói thầu, hết hạn giấy phép nhập khẩu và giấy chứng nhận đăng ký lưu hành, khó thực hiện đấu thầu qua mạng…
Hôm 25-2, tại cuộc họp về tình hình triển khai Kết luận số 26/TB-VPCP và hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu: Bộ Y tế trên cơ sở tổng kết Nghị quyết 144, chủ trì cùng với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT rà soát các vướng mắc từ thực tiễn trình Chính phủ ban hành nghị quyết thí điểm triển khai một số cơ chế, chính sách bảo đảm thuốc, thiết bị y tế, chế phẩm, hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm chẩn đoán invitro, vật tư tiêu hao. Trên cơ sở đó, hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định trình Chính phủ trước ngày 1-3 để xem xét, ban hành tại phiên họp thường kỳ tháng 2.
Lãnh đạo một số bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến cuối đang rất mong chờ Chính phủ và các bộ, ngành liên quan vào cuộc tích cực và khẩn trương để sớm tháo gỡ tình cảnh thiếu thuốc, vật tư y tế, hóa chất điều trị hiện nay.
Hai nội dung "nóng" cần gỡ ngay!
Trao đổi với báo chí sau cuộc họp với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà hôm 25-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ ngành y có 2 nội dung "nóng" đang vướng.
Thứ nhất, về vấn đề máy móc để phục vụ người dân khám chữa bệnh, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ quy định, đối với những máy sau thời điểm ngày 5-11-2022 mới triển khai ký hợp đồng thì sẽ tiếp tục được sử dụng để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Vấn đề thứ hai liên quan đến những vướng mắc trong quá trình thực hiện giá của các gói thầu, các quy định liên quan đến 3 báo giá, liên quan quá trình triển khai Luật đấu thầu, nghị định 63, nghị định 151 và thông tư 68 của Bộ Tài chính.
"Quan điểm của Chính phủ là sẽ cho phép Bộ Y tế phối hợp các bộ, ngành tổng hợp các vướng mắc để đưa vào nghị quyết của Chính phủ nhằm giải quyết vấn đề cấp bách" - bà Lan khẳng định.