Thịt heo chết, bệnh được dùng để làm gì?

 ‘Hô biến’ heo chết, bệnh thành heo sạch

Hầu hết các chủ lò mổ đều khẳng định, công nghệ biến thịt heo chết, heo bệnh thành thịt heo sạch ngày càng tinh vi hơn, khó nhận biết hơn. Nếu không phải ‘người trong nghề’ thì khó mà phân biệt được đâu là thịt heo chết, bệnh với thịt heo sạch thông thường được bày bán ngoài chợ.

Heo chết đang được mổ phanh. Hình minh họa 

Thủ thuật để biến thịt heo chết thành thịt sạch là sau khi heo được mổ, lóc thịt, thịt này sẽ được ngâm chất chống thối, bơm nước muối, ướp hàn the để giữ tươi lâu. Thịt heo bệnh chết sau khi lóc sẽ được rưới huyết heo tươi lên, thoa đều rồi cho vào tủ đông trước khi đem bán. Với cách làm này, rất nhiều người tiêu dùng đã phải ‘bỏ tiền mang họa’ khi khó có thể phân biệt được đâu là thịt heo sạch, đâu là thịt heo bẩn.

Cách chọn thịt heo tươi ngon:

Thịt heo tươi, mới thường có màu hơi hồng chứ không đỏ rực. Thịt heo sạch là khối thịt rắn chắc, độ đàn hồi cao, thớ thịt đều, khi nhấn tay vào có độ dính (hít). Khi chế biến, thịt heo sạch có mùi thơm, không ra nhiều nước.

Thịt heo tươi ngon là thịt có màu hồng nhạt, độ đàn hồi cao. Hình minh họa

Thịt heo chết, thịt heo ôi thường có mùi hôi. Nếu mùi hôi đó đã được khử bằng hóa chất, có thể quan sát bằng mắt thấy màu miếng thịt thường nhợt nhạt, ngả màu xanh hoặc đỏ bầm. Cầm miếng thịt trên tay thấy nhớt, hoặc nếu đã được ngâm qua hàn the thì miếng thịt tuy khô, se nhưng lại không có độ đàn hồi, độ dính.

Khi dùng dao cắt lát, miếng thịt tươi, sạch, lát cắt khô, màu sáng. Còn ở thịt heo chết, bệnh, thịt ở lát cắt có màu tối và có nước.

‘Phù phép’ để thịt heo chết, bệnh thành thịt bò

Một đầu mối chuyên thu mua, giết mổ heo chết, bệnh ở ‘làng heo chết’ Muộn Nọ (Hưng Yên) đã từng khẳng định: Thịt heo sống hay thịt heo chết đều có thể làm giả thành thịt bò được, miễn đó phải là heo nái đã đẻ nhiều lứa.

Cũng theo người này, bình thường, một con heo chết, bệnh đem mổ thịt bán cũng lời 1 triệu đồng/con. Nhưng khi mất công làm giả thành thịt bò, thì lợi nhuận sẽ gấp đôi do một con nheo nặng 2 tạ có thể được hô biến thành 70-80 kg thịt bò.

Thịt bò thật có thớ dài và nhỏ, trong khi thịt bò giả từ thịt heo nái có thớ ngắn và lớn hơn. Hình minh họa

Loại heo nói trên, sau khi được thu gom, người ta sẽ mổ phanh càng sớm càng tốt để thịt không bị hôi. Sau đó, thịt được lóc thành từng mảng, lọc sạch mỡ rồi người ta dùng dao kháy từng thớ thịt một cách tỉ mẩn. Công đoạn tiếp đó sẽ là làm làm màu và mùi cho thịt bằng cách tưới huyết lên thịt để thịt có màu đỏ thẫm.

Riêng về khoản tạo mùi bò, họ thường dùng mỡ bò rán lên, lấy mỡ nước này quét trên tảng thịt heo để chúng có mùi bò đặc trưng. Sườn heo cũng được làm thành sườn bò, thịt mông, vai làm bít tết và thịt vụn hơn thì làm thịt bóc từ bắp bò, thịt bò giả chuyên cho ăn lẩu hoặc phở.

Cách phân biệt thịt bò giả:

Thịt bò thật có màu đỏ au, thịt heo giả bò cũng màu đỏ nhưng nhạt hơn. Thớ thịt bò thường nhỏ và dài, còn thớ thịt heo lớn hơn và ngắn hơn.

Thịt heo giả bò thường được làm màu bằng cách nhuộm màu hoa hiên hoặc huyết heo. Nếu bạn miết mạnh ngón tay lên miếng thịt mà có màu lạ phai ra ngón tay thì đó chắc chắn là thịt bò giả.

Nếu trên thịt bò còn dính mỡ thì cần phân biệt rõ  mỡ bò có màu vàng nhạt, còn mỡ heo màu trắng. Trong trường hợp người bán “kỹ” đến mức không để chút mỡ nào dính vào thịt thì bạn nên áp dụng theo các cách trên.

Khi ấn ngón tay vào tảng thịt, nếu là thịt heo cảm giác hơi mềm, còn thịt bò thì sẽ mềm hơn và có vẻ như dính theo tay.

Heo chết thành  heo quay

Khi thịt heo đã được tẩm gia vị và quay vàng thơm, hầu như người mua rất khó nhận biết được đâu là heo sạch, đâu là heo chết, bệnh. Theo như  lời khai của một số chủ lò heo bị bắt quả tang tiêu thụ heo chết, bệnh, thì heo chết, heo tai xanh tai đỏ gì đều có thể quay được hết.

Thịt heo chết sau khi được làm màu, tẩm gia vị khó ai có thể nhận biết được. Hình minh họa

Các loại heo ‘bẩn’ nói trên được mua về, làm sạch, tẩm gia vị, phết màu từ một loại màu công nghiệp của Trung Quốc giá 2-5 ngàn đồng/ống rồi quay. Mỗi con heo sữa như vậy dùng hết 4-5 ống màu, màu này lên da heo rất tươi, bắt mắt. 

Tuy vậy,  thịt heo quay này khi ăn sẽ có cảm giác bở và nhạt nhẽo. Không có mùi thịt heo đặc trưng.

Cách chọn heo quay ‘sạch’:

Thịt heo tươi khi quay xong thường có màu vàng tự nhiên, thịt xẻ ra màu trắng hồng, khi ăn thịt dai và thơm, gia vị ngấm đều. Thịt heo tươi là thịt khi quay xong vẫn dính liền với da, không rời rạc. Phần mỡ tươi, màu trắng, không có màu vàng hay lốm đốm nốt đỏ. Tuy khi quay heo đã được tẩm gia vị, nhưng nếu tinh ý một chút, ngửi kỹ sẽ không thấy mùi bất thường trên thịt heo sạch.

Heo đã chết, bệnh, khi quay dù tẩm gia vị, làm màu kỹ đến đâu khi xắt thịt vẫn thấy màu thịt đỏ sậm (do không được cắt tiết). Da và thịt heo đã tách rời, hoặc dễ bong ra khi đụng nhẹ. Thịt heo bở, không ngọt, mùi khó chịu.

Cách tốt nhất là bạn hãy mua heo quay, thịt heo quay ở những cửa hàng uy tín, đảm bảo chất lượng.

 

Cách nhận biết thịt heo chết, bệnh

Thịt heo gạo: Bằng mắt thường rất dễ dàng nhận thấy nếu heo bị gạo, trong thớ thịt sẽ có kén giun màu trắng. Những đốm trắng này hình bầu dục, có khi lớn bằng hạt đậu.

Heo bị thương hàn: Bề mặt da heo có những nốt bầm hoặc lấm tấm xuất huyết, thịt nhão, tai heo bị tím.

Heo bị bệnh tả: Nốt xuất huyết nằm dưới da hoặc trên vành tai, lấm tấm như nốt muỗi đốt.

Heo bị tụ huyết trùng: Thịt có những mảng bầm, tụ máu.

Heo bị viêm gan: Thịt có mầu vàng.

Heo bị bệnh đóng dấu: Bề mặt da có những nốt tròn đỏ, tía hoặc son, có khi màu tím bầm, kích thước khác nhau, như hình đóng dấu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới