Trong những ngày qua thịt heo nằm trong cơn sốt giá khi giá bán lẻ tại TP.HCM lập đỉnh lên đến 280.000 đồng/kg đối với sườn non. Giá thịt heo hơi cũng dao động mức 75.000- 85.000 đồng tại khu vực miền Nam.
Trong khi đó giá heo miền Bắc có giá “trên trời” khi giá heo hơi ở mức 95.000 đồng/kg tại Hưng Yên và Thái Nguyên.
Giá heo tăng cao kéo theo giá cả thực phẩm khác cũng thiết lập bảng giá mới. Tuy không cao như thịt heo nhưng giá gà tăng 5.000-10.000 đồng/kg, cá và hải sản khác cũng tăng tuy có mức tăng nhẹ chỉ 1.000-2.000 đồng/kg.
Điều này khiến người tiêu dùng, nhất là các bà nội trợ lo lắng khi phải chi tiêu số tiền lớn cho thịt heo để phục vụ các bữa ăn bởi thực tế thịt heo là món ăn “chủ lực” cũng như cung cấp nhiều chất đạm, chất béo và vitamin thiết yếu cho cơ thể.
Thịt heo tăng giá khiến người tiêu dùng lo lắng trước các khoản chi tiêu và loay hoay tìm thực phẩm khác thay thế. Ảnh: Nguyên Hà
Song theo các chuyên gia dinh dưỡng, để tránh sự thiếu hụt dinh dưỡng trong bữa ăn gia đình, đặc biệt trong tình hình giá thịt heo leo thang từng ngày, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần chuyển sang ăn các thực phẩm khác thay vì khái niệm thịt heo là món không thể thiếu trong bữa cơm gia đình.
Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng đã thông tin ngoài thịt heo, người dân có thể thay thế các thực phẩm giàu nguồn protein (chất đạm) như tôm, cua, trứng, thịt gà, thịt bò và các loại hạt. Thậm chí một số thực phẩm còn cung cấp dưỡng chất chứa hàm lượng đạm cao hơn cả thịt.
TS Phan Thế Đồng (Khoa công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Hoa Sen) cũng nhận định rằng giá trị dinh dưỡng trong các loại cá, tôm cũng tương đương các loại thịt, bao gồm cả thịt bò và thịt heo.
Giá trị dinh dưỡng trong các loại cá, tôm cũng tương đương các loại thịt, bao gồm cả thịt bò và thịt heo. Ảnh: N.CH
Theo vị chuyên gia này, các loại thịt đỏ có hàm lượng đạm và sắt nhiều hơn nhưng thịt lại không tốt so với cá. “Chất béo trong thịt là chất béo no, dễ gây cholesterol xấu, trong khi đó chất béo trong cá lại là chất béo không no như omega 3, 6, 9 nên rất tốt cho các hoạt động trong cơ thể, nhất là tim mạch” - ông cho biết.
Bên cạnh đó, Viện Dinh dưỡng cũng thông tin người tiêu dùng có thể tìm kiếm hàm lượng đạm giàu có như thịt heo trong một số loại thực phẩm như tôm, cua, cá, trứng, rau củ, các loại hạt. Thậm chí một số loại còn có hàm lượng protein cao hơn cả thịt.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong 100 g thịt heo ba chỉ đã chứa tới 16,5 g đạm, 21,5 g mỡ, 9 mg canxi, 285 mg kali, 55 mg natri, vitamin A 10 µg…
Trong khi đó 100 g thịt bò chứa 21 g đạm, thịt vịt có 17,8 g đạm, ếch chứa hàm lượng đạm lên tới 20 g… Ngoài ra các thực phẩm thực vật như đậu đen, đậu tương, đậu xanh, lạc, vừng... ghi nhận hàm lượng đạm cao hơn nhiều lần so với đạm trong thịt. Đơn cử chỉ với 100 g đậu tương đã chúa 34 g đạm, hay trong 100 g lạc có tới 27,5 g đạm.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mặc dù một số loại thực vật có hàm lượng đạm cao hơn thịt nhưng không thể thay thế đạm trong động vật bởi chúng thiếu nhiều acid amin cần thiết. Do đó, cần bổ sung cân đối giữa đạm thực vật, ít đạm động vật, nhiều chất xơ trong bữa ăn gia đình.
Chính vì thế, người dân có thể lựa chọn nhiều thực phẩm thay thế nếu không có điều kiện tiêu thụ thịt heo trong tình hình giá cả leo thang từng ngày này.