Đặc phái viên Liên Hợp Quốc (LHQ), ông Staffan de Mistura nói rằng cùng với kết quả thất bại của các sứ giả LHQ trong sứ mệnh bảo vệ hòa bình, Kobani có thể phải chịu chung số phận với thị trấn Srebrenica của Bosnia, nơi 8.000 người Hồi giáo đã bị giết bởi người Serbia vào năm 1995. Đây là tội ác dã man nhất của châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai.
Thảm họa nhân đạo
Hoàn cảnh khốn khổ của đa phần người Kurd sinh sống tại Kobani đã châm ngòi cho cuộc bạo loạn đường phố tồi tệ nhất trong nhiều năm qua ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi hiện đang có khoảng 15 triệu người Kurd định cư.
Máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Internet
Kể từ hôm thứ ba (7-10), số lượng người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ chống đối chính phủ Tổng thống Tayyip Erdogan đã tăng lên nhanh chóng. Họ cáo buộc chính quyền làm ngơ khi thân nhân của họ bị giết.
Ông Ocalan Iso, đại diện ban chỉ huy của các lực lượng người Kurd bảo vệ thị trấn, nói với Reuters rằng các chiến binh IS vẫn đang bắn phá khu vực trung tâm và chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ họ sẽ tạm ngưng.
Số phận những người dân tị nạn sẽ ra sao khi trước mặt không thể qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, sau lưng IS tấn công Kobani. Ảnh: Internet
"Nhiều cuộc đụng độ khốc liệt đã diễn ra và họ đang ném bom trung tâm của Kobani từ xa”. Ông cũng kêu gọi Mỹ và đồng minh cần phải thực hiện nhiều hơn nữa các cuộc không kích.
Sự chú ý của quốc tế đã tập trung vào Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO với quân đội lớn nhất trong khu vực, đã cho phép 1,2 triệu người Syria tị nạn, bao gồm 200.000 người từ Kobani trong vài tuần trở lại đây.
Cho đến nay, ông Erdogan đã từ chối tham gia liên minh quân sự chống lại IS hay sử dụng vũ lực để bảo vệ Kobani. "Chúng tôi muốn thỉnh cầu các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ ...ít nhất cũng cho phép tình nguyện viên và các thiết bị của họ có thể tiến vào thành phố với mong muốn góp sức vào hành động tự vệ", đặc phái viên LHQ, ông Mistura cho biết tại Geneva.
Các cuộc nổi dậy của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ giận dữ. Chính phủ cáo buộc các nhà chính trị lãnh đạo người Kurd lợi dụng tình hình ở Kobani để gây mất trật tự công cộng tại Thổ Nhĩ Kỳ, phá hoại tiến trình hòa bình mong manh của nước này.
Khói lửa mịt mù sau trận tập kích không quân do Mỹ dẫn đầu vào thị trấn Kobani hôm 10/10. Ảnh: Reuters
Cuộc nổi dậy của Người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo dài nhiều thập kỷ, khiến ít nhất 40.000 người đã thiệt mạng. Thỏa thuận ngừng bắn năm ngoái đã trở thành một trong những thành tựu quan trọng trong thập kỷ nắm quyền của ông Erdogan. Tuy nhiên, Thủ lĩnh Phong trào Công nhân người Kurd (PKK) Abdullah Ocalan cho biết tiến trình hòa bình sẽ không thể tồn tại nếu Thổ Nhĩ Kỳ bỏ rơi người dân Kobani.
Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm thứ Sáu, ông Erdogan cáo buộc các nhà lãnh đạo người Kurd đã "kêu gọi bạo lực theo cách không thể chấp nhận được. Tiến trình hòa bình không có nghĩa là Chính phủ phải chịu đựng các hành động bất hợp pháp", ông nói.