Thổ Nhĩ Kỳ giải thích lý do không trừng phạt Nga như phương Tây

(PLO) Theo ông Kalin, Ankara “rõ ràng và dứt khoát” coi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine là một hành động sai trái, song việc áp đặt biện pháp trừng phạt sẽ gây hại cho nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn là của Nga.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đài RT dẫn lời ông Ibrahim Kalin - phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ (ông Tayyip Erdogan) - cho biết lý do nước này không ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga là vì đã cân nhắc kỹ về những vấn đề kinh tế thực tế cũng như “chính sách cân bằng” trong quan hệ với mọi bên.

Tuyên bố trên được ông Kalin đưa ra khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ Haberturk TV hôm 26-6.

“Ankara theo đuổi chính sách cân bằng trong mọi mối quan hệ vì chúng tôi phụ thuộc vào các nguồn năng lượng từ nước ngoài, chúng tôi đều phát triển quan hệ với Nga cũng như với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có quan hệ tốt với Mỹ và các nước phương Tây khác” - ông Kalin giải thích.

“Chúng tôi không áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Nga sau những gì xảy ra ở Ukraine, vì tất nhiên chúng tôi phải bảo vệ lợi ích của đất nước mình” - phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố.

Theo quan điểm của ông Kalin, việc áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Moscow “sẽ gây hại cho nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn là của Nga”.

“Chúng tôi đã có lập trường rõ ràng. Hiện tại phương Tây cũng đã chấp nhận. Họ không nói bất cứ điều gì về lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ vì lý do địa chính trị” - ông Kalin tuyên bố và nhấn mạnh thêm rằng đất nước của ông không ủng hộ việc áp đặt biện pháp trừng phạt cá nhân đối với những doanh nhân Nga.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Recep Tayyip Erdogan phát biểu trước cuộc đàm phán hòa bình giữa phái đoàn Nga và Ukraine tại Istanbul, ngày 29-3. Ảnh: RT

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Recep Tayyip Erdogan phát biểu trước cuộc đàm phán hòa bình giữa phái đoàn Nga và Ukraine tại Istanbul, ngày 29-3. Ảnh: RT

Ông đồng thời cho hay Ankara “rõ ràng và dứt khoát” coi hoạt động quân sự của Nga là một hành động sai trái. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tìm cách nói chuyện với cả Ukraine và Nga để cả hai hiểu rõ rằng "chiến tranh càng kéo dài, phí tổn càng cao”.

“Thành thật mà nói, không có quốc gia nào khác nỗ lực để đưa hai bên xích lại gần nhau. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm gương cho việc hợp tác có thể được thực hiện trong một số vấn đề ngay cả trong môi trường chiến tranh” - ông Kalin nói.

Ông cũng nhấn mạnh vai trò của Ankara trong việc đàm phán các giải pháp cho một số vấn đề quan trọng trên toàn cầu, như khôi phục nguồn ngũ cốc xuất khẩu từ khu vực xung đột.

Phát ngôn viên Kalin thừa nhận ông không thể dự đoán được thời điểm nào Nga sẽ quyết định ngừng “chiếm đóng” lãnh thổ Ukraine, song nhấn mạnh chiến tranh có những tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn: “Những ảnh hưởng của cuộc chiến có thể kéo dài trong 10 năm tới. Chiến tranh có thể kết thúc, nhưng ảnh hưởng của nó sẽ tiếp tục theo một cách khác”.

Ông Ibrahim Kalin - phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Tayyip Erdogan. Ảnh: THE ARAB WEEKLY

Ông Ibrahim Kalin - phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Tayyip Erdogan. Ảnh: THE ARAB WEEKLY

Theo ý kiến ​​của ông, thế giới đang đối mặt với một kiểu chiến tranh lạnh mới, với phong trào chống Nga mạnh mẽ ở phương Tây và “chủ nghĩa chống phương Tây” đang lan rộng ở Nga.

Bình luận về những lý do đằng sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, ông Kelin bác bỏ những cáo buộc của phương Tây cho rằng hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin là “phi lý trí” vì đôi khi chính phương Tây cũng “phi lý hóa các vấn đề thay vì đối đầu với nó”.

Theo ý kiến ​​của ông, mâu thuẫn trong quan hệ Nga và phương Tây đã bắt đầu từ những năm 1990 khi Nga, trước sự thay đổi của trật tự địa chính trị toàn cầu, đề nghị phương Tây thực hiện “một thỏa thuận cân bằng mới” nhằm phản ánh những thay đổi đó.

“Chúng tôi cũng phản đối trật tự toàn cầu bất thường và không công bằng này” - phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm