Cùng ngày, đài truyền hình RT (Nga) đưa tin tư lệnh không quân Nga Viktor Bondarev thông báo hôm máy bay Su-24 của Nga bị bắn rơi, máy bay Nga cất cánh từ sân bay Latakia (Syria) lúc 9 giờ 34 và đến khu vực thăm dò trong 34 phút.
Ông cho biết theo kết quả từ các trạm kiểm soát không lưu Syria, hai máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã có mặt sẵn trong khu vực trên từ 9 giờ 11 đến 10 giờ 26 ở độ cao 2.400 m. Hai máy bay ném bom vào bọn khủng bố xong thì bắn tên lửa không đối không vào máy bay Nga.
Ông nhận định điều này rõ ràng cho thấy các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đã giương bẫy sẵn bởi nếu cất cánh từ sân bay Thổ Nhĩ Kỳ gần nhất, các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đủ thời gian để bắn hạ máy bay Nga.
Trả lời hãng tin Sputnik (Nga), tướng Jean-Claude Allard, Giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (Pháp), nhận xét bốn quốc gia có máy bay bay trên không phận Syria gồm Syria, Nga, Mỹ, Pháp và không có nước nào có ý định gây hấn với Ankara. Do đó, hành động bắn rơi máy bay Nga của Thổ Nhĩ Kỳ là không cân xứng.
Trong ngày 27-11, sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Syria Walid al-Muallem tại Moscow (ảnh), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thông báo từ 1-1-2016 Nga sẽ ngưng chế độ miễn visa đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ nhập cảnh vào Nga (áp dụng từ tháng 10-2010) vì có đe dọa an ninh từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nhấn mạnh Nga bắt đầu nghi ngờ ý muốn chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây là biện pháp trả đũa mới nhất của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau sự kiện hai máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga. Ngoại trưởng Sergey Lavrov khẳng định khi bắn rơi máy bay Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt quá giới hạn vạch ra và chấp nhận một tình thế khó khăn cho lợi ích quốc gia lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các vấn đề liên quan đến khu vực.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga đã kêu gọi các công dân Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ về nước vì đe dọa khủng bố hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, báo Wall Street Journal (Mỹ) dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng phạm vi triển khai quân đội tại biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, nơi bọn Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) thường hay qua lại. Đoạn biên giới này dài khoảng 100 km.
Nguồn tin cho biết nếu Thổ Nhĩ Kỳ triển khai thêm khoảng 30.000 quân thì đủ quân số để khép kín hoàn toàn biên giới với Syria. Nếu chỉ kiểm soát đoạn biên giới quân Nhà nước Hồi giáo hay sử dụng để ra vào Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ thì phải triển khai tối thiểu 10.000 quân.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng con số này quá cao. Để đổi lấy vấn đề kiểm soát biên giới, Thổ Nhĩ Kỳ dự tính yêu cầu Mỹ chi thêm tiền viện trợ giải quyết vấn đề người di cư và thiết lập vùng an toàn ở biên giới. Dù vậy, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đều không ủng hộ ý tưởng thiết lập vùng an toàn ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.