Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đạo luật phạt tù người tung tin giả

(PLO)- Theo đạo luật mới được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua, tòa án có quyền tuyên phạt từ 1 đến 3 năm tù đối với bất kỳ phóng viên hay công dân nào sử dụng mạng xã hội để truyền bá thông tin sai lệch.

Theo hãng tin AFP, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13-10 đã thông qua một đạo luật mới, theo đó các phóng viên và người dùng mạng xã hội có thể bị phạt tù đến 3 năm nếu lan truyền thông tin giả.

Động thái trên củng cố nỗ lực của chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong việc kiểm soát hoạt động của các phương tiện truyền thông 8 tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 6-2023.

Theo đó, đạo luật mới cho phép áp dụng mức phạt hình sự đối với những người bị kết tội tung tin thất thiệt hoặc gây hiểu lầm. Đạo luật cũng yêu cầu các mạng xã hội và các trang web chuyển giao cho chính phủ thông tin chi tiết của người dùng bị nghi ngờ "tuyên truyền thông tin sai lệch".

Đạo luật cũng cho phép tòa án tuyên phạt các phóng viên và công dân thường xuyên sử dụng mạng xã hội để "công khai truyền bá thông tin sai lệch" từ 1 đến 3 năm tù.

Một nghị sĩ đảng đối lập Thổ Nhĩ Kỳ đã đập vỡ điện thoại của mình để phản đối đạo luật mới trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội hôm 13-10. Ảnh: AFP

Đạo luật mới, bao gồm 40 điều sửa đổi mà mỗi sửa đổi yêu cầu một cuộc bỏ phiếu riêng, do đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của ông Erdogan đề xuất và bị các nhóm đối lập phản đối dữ dội.

Một nghị sĩ đảng Cộng hòa (CHP) đã dùng búa đập vỡ điện thoại di động của mình tại cuộc bỏ phiếu để phản ánh việc quyền tự do ngôn luận ở Thổ Nhĩ Kỳ đang bị hủy hoại như thế nào, đặc biệt đối với giới trẻ.

"Hỡi những công dân trẻ tuổi của đất nước, những người sẽ quyết định số phận của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2023. Hiện tại các bạn chỉ còn được tự do nói lên ý kiến của mình thông qua điện thoại, thông qua những nền tảng như Instagram, YouTube, Facebook. Một khi đạo luật mới được Quốc hội thông qua, mọi thứ sẽ kết thúc” - nghị sĩ trên nhấn mạnh.

Người dân, nhà báo và các đảng đối lập Thổ Nhĩ Kỳ phản đối mạnh mẽ đạo luật mới do đảng AKP cầm quyền của Tổng thống Erdogan đề xuất. Ảnh: AFP

Hầu hết báo chí và kênh truyền hình tại Thổ Nhĩ Kỳ đều nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ kể từ sau cuộc đảo chính bất thành vào năm 2016.

Tuy nhiên, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông trên internet phần lớn vẫn nằm ngoài sự giám sát, điều khiến chính quyền Tổng thống Erdogan ngày càng khó chịu.

Sự tự do này đã bắt đầu thay đổi khi Ankara cảnh báo sẽ phạt nặng những nền tảng mạng xã hội khổng lồ và phổ biến như Facebook và Twitter nếu không gỡ bỏ những bài đăng gây tranh cãi.

“Các nền tảng truyền thông xã hội đã trở thành một trong những mối đe dọa chính đối với nền dân chủ ngày nay" - ông Erdogan nói vào tháng 12-2021.

Trước đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt đầu phát sóng một chương trình đặc biệt hàng tuần nhằm làm rõ những gì họ cho là "thông tin không chính xác và trung thực".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới