Sau khi TAND tỉnh Tiền Giang xử sơ thẩm, bị cáo và 14 người bị hại kháng cáo xin giảm án và chỉ một nạn nhân có kháng cáo yêu cầu tăng án. HĐXX nhận định bị cáo chỉ mới có ký thỏa thuận bồi thường chưa thực hiện nên không thể xem là tình tiết giảm nhẹ để xem xét.
Bị cáo Hương được dẫn giải về trại giam sau phiên tòa
Theo hồ sơ, sau khi nghỉ làm ở Công ty Thủy sản Tiền Giang (năm 1999), Hương về nhà mở cửa hàng bán tạp hóa và tổ chức chơi hụi. Thời gian đầu, Hương khui và hốt hụi đúng hẹn. Sau khi tạo được lòng tin với các hụi viên, càng về sau Hương càng tổ chức thêm nhiều dây hụi. Khoản tiền chênh lệch hoa hồng mà Hương được hưởng là 40%.
Đầu năm 2010, do một số hụi viên đã hốt hụi nhưng không đóng hụi chết, Hương khai phải dùng tiền cá nhân, thế chấp nhà đất để vay mượn ngân hàng và vay bên ngoài với lãi suất cao để đóng hụi thay dẫn đến mất khả năng thanh toán.
Sợ mất uy tín, Hương nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền mua hụi của các hụi viên bằng thủ đoạn gian dối. Cụ thể tổ chức 208 dây hụi, mỗi dây Hương thông báo có nhiều hụi viên tham gia nhưng thực chất chỉ có một, còn các hụi viên khác là ảo. Từ đó, Hương hốt hụi của 13 người tham gia chiếm đoạt tiền. Ngoài ra, Hương còn nói dối là một số hụi viên kẹt tiền muốn bán hụi để hụi viên ham lợi mua lại nhằm mục đích chiếm đoạt để trang trải nợ cá nhân và "choàng hụi" cho người khác. Theo kết luận, tổng số tiền Hương chiếm đoạt là hơn 17 tỉ đồng của 36 người bị hại.
Từ ngày Hương vỡ nợ, trong số các nạn nhân có người đã tự sát vì không chịu nổi cảnh “nợ réo con đòi”, có người phải ra ở trọ hoặc từ chủ doanh nghiệp trở thành người làm công…