* Đầu năm 2016, Mỹ và châu Âu sẽ dỡ bỏ cấm vận đối với Iran.
Sau 12 năm đàm phán, sáng 14-7 tại Vienna (Áo), Iran và nhóm P5+1 (năm nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức) đã ký kết thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân Iran.
Các nhà đàm phán của nhóm P5+1 và Iran tại Vienna (Áo). Ảnh: THX
Thỏa thuận dày khoảng 100 trang gồm một tài liệu chính và năm phụ lục.
Báo Le Monde dẫn nguồn từ phái đoàn Pháp tham dự đàm phán cho biết các điểm chính trong thỏa thuận như sau:
● Hạn chế làm giàu uranium: Mục đích chính của đàm phán là hạn chế nghiêm ngặt thời gian cần thiết để sản xuất đủ uranium làm giàu. Thỏa thuận Vienna đã hạn chế thời gian này là tối thiểu một năm trong thời gian 10 năm.
● Hạn chế sản xuất plutonium: Ngoài uranium, plutonium có thể được sử dụng để chế tạo bom hạt nhân. Thỏa thuận Vienna quy định lò phản ứng của nhà máy điện nước nặng Arak sẽ được cải tạo để không thể sản xuất plutonium dùng trong quân sự.
● Tăng cường thanh sát: Một chế độ thanh sát nghiêm ngặt sẽ được áp dụng trong suốt quá trình thực hiện thỏa thuận. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ xác minh các lò ly tâm trong 20 năm và công việc sản xuất uranium cô đặc (nguyên liệu để tạo uranium tinh khiết) trong 25 năm. Iran cam kết cho phép IAEA kiểm tra đột xuất.
● Dỡ bỏ cấm vận: Mục tiêu chính của Iran trong đàm phán là được dỡ bỏ các lệnh cấm vận của LHQ, Mỹ và châu Âu. Sau khi IAEA xác nhận Iran thực hiện đúng thỏa thuận, Mỹ và châu Âu sẽ dỡ bỏ cấm vận về tài chính, năng lượng, giao thông vận tải của Iran vào đầu năm 2016. Tiến trình này sẽ được áp dụng để dỡ bỏ sáu nghị quyết cấm vận Iran của Hội đồng Bảo an LHQ từ năm 2006 đến nay.
● Duy trì cấm vận vũ khí: Các lệnh cấm vận đối với Iran về tên lửa đạn đạo và nhập khẩu vũ khí sát thương vẫn được duy trì. Cấm chuyển giao thiết bị nhạy cảm dùng cho tên lửa đạn đạo trong tám năm, trừ phi Hội đồng Bảo an LHQ cho phép.
Thỏa thuận Vienna vừa đạt được ngày 14-7 không nhằm phá hủy chương trình hạt nhân Iran như dự kiến trong các đợt đàm phán ban đầu giữa năm 2003-2005. Thỏa thuận chỉ khu trú để kiểm soát chặt chẽ cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran.
Thỏa thuận có thể là bước đầu tiên để tiến tới bình thường hóa quan hệ Iran-Mỹ. Quan hệ này đã bị cắt đứt năm 1980 sau vụ bắt cóc các con tin Mỹ tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran (Iran).
Thỏa thuận cũng mở ra một chương hợp tác mới cởi mở hơn giữa Mỹ và Iran về các khủng hoảng ở Iraq và Syria.
Về ngắn hạn, thỏa thuận Vienna sẽ tác động đến thị trường dầu thô sau khi các biện pháp hạn chế Iran xuất khẩu dầu được dỡ bỏ.
Israel và các nước quân chủ dòng Sunni ở vùng Vịnh rất lo ngại Iran sử dụng 150 tỉ USD ở nước ngoài bị phong tỏa do cấm vận để hậu thuẫn mạnh hơn cho các lực lượng dân quân dòng Shiite và củng cố khả năng quân sự trong bối cảnh Iran can thiệp ngày càng tích cực vào các khủng hoảng lớn trong khu vực, từ Syria, Iraq đến Lebanon và Yemen.
Ngày 14-7, Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu tuyên bố: “Thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran là một sai lầm nghiêm trọng với những hậu quả mang tầm vóc lịch sử”. Ông cho rằng với thỏa thuận Vienna, Iran đã có giấy thông hành để tiếp tục sản xuất vũ khí hạt nhân. Ông nói Iran đã trúng quả đậm bởi sắp có hàng trăm tỉ USD để tiếp tục chính sách khủng bố. Tiêu điểm Thỏa thuận (vừa ký kết) đã minh chứng hiệu quả của giải pháp ngoại giao. Tổng thống BARACK OBAMA Đây là một ngày lịch sử vì chúng ta đã tạo các điều kiện cần thiết để thiết lập một mối quan hệ tin tưởng. Cao ủy đối ngoại EU FEDERICA MOGHERINI Thỏa thuận này đã mở ra những chân trời mới. Tổng thống Iran HASSAN ROUHANI |