Quan chức này khẳng định các bộ trưởng đã thương lượng xong các vấn đề lớn của TPP và chỉ còn hoàn tất các chi tiết và duyệt dự thảo thỏa thuận rất dài.
Tuy nhiên, các nguồn tin nắm thông tin cuộc đàm phán cho biết New Zealand đang tiếp tục đòi tiếp cận thị trường sâu hơn ở một số quốc gia và đây là vướng mắc khiến đàm phán chưa thể “cán đích” ở vòng cuối cùng.
Bộ trưởng Thương mại 12 quốc gia TPP đã đàm phán “dài hơi” từ ngày 30-9.
Bộ trưởng 12 nước thành viên TPP họp tại TP Atlanta, bang George (Mỹ) hôm 1-10. Ảnh: REUTERS
Trước đó, vào rạng sáng 4-10 (giờ VN), Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari cho biết đại diện 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có khả năng sẽ công bố thỏa thuận “về mặt nguyên tắc” sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng.
Theo hãng tin AFP, Ông Amari nói với báo giới Nhật rằng đã có những “tiến triển lớn” tại cuộc họp sáng 4-10. Ông cũng nói thêm rằng đã tìm ra giải pháp cho các trở ngại chính trong việc đạt được một thỏa thuận, cách bảo vệ sự phát triển các loại sinh dược mà Mỹ và Úc gặp bất đồng trong vấn đề này.
Với TPP, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt mục tiêu xây dựng nền tảng của “các quy định thương mại thế kỷ 21”, lập các tiêu chuẩn về thương mại, đầu tư, bản quyền sở hữu trí tuệ mà thậm chí các nước không thuộc TPP, đặc biệt là Trung Quốc sẽ phải chấp nhận.
Được biết Mỹ hiện áp dụng thời hạn bảo hộ sở hữu trí tuệ với dược phẩm trong nước là 12 năm. Vì vậy, ban đầu họ đề xuất thời hạn này trong TPP là tám năm. Trong khi đó, Úc và một nhóm nước khác chỉ chấp nhận không quá năm năm.
Trước đó, Chile, New Zealand và Peru đều không muốn chấp nhận yêu cầu bảo hộ bản quyền sinh dược lâu hơn năm năm. Vì việc bảo hộ này sẽ khiến các nước đang phát triển không thể phát triển các loại thuốc mới tương đương để giảm giá thành. Nhưng cuối cùng tất cả đã đạt được thỏa thuận chung.
Vấn đề còn lại là việc mở cửa thị trường sữa cho các sản phẩm của New Zealand, các nước Nhật, Canada và Mexico đã nhanh chóng thỏa thuận với New Zealand. Và đối thủ khó khăn nhất là Mỹ đã cùng New Zealand có được thỏa thuận quan trọng.
TPP - hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử, hứa hẹn trở thành mô hình sẽ thiết lập tiền lệ cho hoạt động thương mại toàn cầu và các tiêu chuẩn liên quan tới người lao động.
Hiệp định TPP với tám năm tiến hành thương thuyết, đàm phán giữa Mỹ và 11 quốc gia ven Thái Bình Dương hướng tới gỡ bỏ dần hàng ngàn rào cản thuế quan và phi thuế quan trong thương mại. TPP cũng sẽ thiết lập các nguyên tắc đồng bộ trong các vấn đề sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, cởi mở thông tin trên Internet, ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã và các hoạt động phá hủy môi trường.