Bộ trưởng 12 nước tham gia đàm phán TPP tại cuộc họp báo sau vòng đàm phán ở Maui, Hawaii ngày 31/7. (Ảnh: THX/TTXVN)
Dù các bộ trưởng của 12 nước trên vành đai Thái Bình Dương bước vào vòng đàm phán với tâm thế lạc quan và quyết tâm cao, song con đường đi tới ký kết một hiệp định thương mại tự do vẫn còn khó khăn khi các quốc gia chưa thể tháo gỡ những bất đồng, dung hòa lợi ích kinh tế và chính trị của mỗi nước để tối đa hóa lợi ích chung.
Với mục tiêu hướng tới một thoả thuận thương mại được cho là chìa khóa của sự tăng trưởng trong tương lai, cuộc họp tập trung thảo luận những vấn đề “khó khăn nhất, phức tạp nhất và nhạy cảm nhất.”
Mặc dù trong tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị, các nhà thương thuyết khẳng định họ đã đạt được “tiến triển đáng kể,” song các bên vẫn còn bất đồng sâu sắc trong nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến ngành ôtô, dược phẩm và việc tiếp cận các thị trường nông sản ở hai bên bờ Thái Bình Dương.
Vòng đàm phán rơi vào bế tắc do bất đồng giữa Nhật Bản và Mỹ liên quan đến mặt hàng ôtô. Trong khi Nhật Bản muốn Mỹ nhanh chóng dỡ bỏ các loại thuế đánh vào linh kiện ôtô nước này xuất khẩu sang Mỹ, thì Washington muốn làm rõ nguồn gốc của các linh kiện đó có phải từ một khu vực thương mại tự do hay không.
New Zealand cũng khẳng định không ủng hộ một thỏa thuận không giúp mở cửa mạnh mẽ các thị trường bơ sữa, ám chỉ Mỹ, Nhật Bản và Canada.
Thời gian bảo hộ độc quyền đối với mặt hàng dược phẩm cũng là một “bài toán hóc búa” khi Mỹ không nhượng bộ trước yêu cầu của các đối tác.
Washington muốn các công ty dược sẽ có 12 năm bảo hộ độc quyền các sản phẩm công nghệ sinh học, trong khi hầu hết các thành viên còn lại đều cho rằng thời gian độc quyền quá lâu sẽ đẩy giá thành dược phẩm lên cao, khiến người dân khó có thể tiếp cận các mặt hàng với giá hợp lý.
Giới phân tích nhận định việc các nước chưa thể tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề gai góc nhất cho thấy những khó khăn và thách thức trong tiến trình đi tới TPP.
Việc các bên giữ quan điểm cứng rắn đối với những khúc mắc còn tồn đọng, vốn đòi hỏi quyết tâm chính trị cao, đã khiến các nhà thương thuyết một lần nữa bỏ lỡ cơ hội kết thúc đàm phán TPP trong tháng 7/2015 như mục tiêu ban đầu.
Kết quả không như kỳ vọng được giới phân tích nhìn nhận là một thất bại đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama do TPP được ví như “hòn đá tảng” trong chính sách “xoay trục” sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là cơ hội của Washington nhằm cân bằng với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Ông Obama đã đặt nhiều kỳ vọng vào vòng đàm phán lần này, đặc biệt sau khi ông được trao Quyền đàm phán nhanh (TPA) để thúc đẩy các hiệp định thương mại. Tuy nhiên, trên thực tế, TPA vẫn chỉ là yếu tố “cần” chứ chưa “đủ” để khiến các nước tham gia đàm phán sẵn sàng gạt bỏ những bất đồng sâu sắc trong các vấn đề gai góc và nhạy cảm nhất.
Việc một lần nữa lỡ hẹn với TPP cũng khiến cho tiến trình trình hiệp định này lên Quốc hội Mỹ để phê chuẩn trong năm nay gặp nhiều khó khăn và khó đạt được mục tiêu như dự kiến.
TPP sẽ trở thành tâm điểm của chiến dịch tranh cử trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2016. Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Rosa DeLauro cho rằng: “Thất bại trong vòng đàm phán TPP ở Maui có thể làm thay đổi chiều hướng các cuộc tranh luận ở Mỹ.”
Trong khi đó, Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài khóa Nhật Bản Akima Amari tỏ ra lạc quan khi cho rằng các bên đã tiến rất gần tới một thỏa thuận toàn diện và chỉ cần một cuộc gặp nữa là các bộ trưởng có thể hoàn tất công việc. Theo ông, nhiều khả năng vòng đàm phán TPP tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng 8 này.
Mặc dù rời Hawaii mà không có thỏa thuận cuối cùng nào được ký kết, song hầu hết các quan chức đều có chung nhận định rằng các cuộc thương lượng vừa qua “mang tính xây dựng” và TPP "vẫn nằm trong tầm tay." Tuy nhiên, để sớm đạt được TPP, các nước tham gia đàm phán cần thể hiện thiện chí hơn nữa để có thể tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề khúc mắc còn tồn tại.
Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới |