Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã trình bày những đề xuất về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo đó, một hiệp định với 12 nước tham gia sẽ “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, giải quyết việc làm cho người Mỹ, và tăng cường xuất khẩu hàng Mỹ tới một số nước phát triển nhanh và năng động nhất thế giới”.
Báo chí Mỹ đã hưởng ứng đề xuất này, mặc dù hiệp định gây ra những lo lắng đối với các nhà môi trường học, các hiệp hội và các nhóm nhân quyền.Tuy nhiên, thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren đã lên tiếng phản đối hiệp định TPP.
Bà Warren đã viết: “Chính phủ không muốn người khác đọc được thỏa thuận thương mại lớn này, và hiện nay đây vẫn là vấn đề tuyệt mật. Tại sao vậy? Câu trả lời tôi nhận được là do: nếu người dân Mỹ thấy được nội dung (của TPP), họ sẽ phản đối”.
Bà Warren chỉ ra rằng, trong khi lợi ích của doanh nghiệp được đáp ứng rộng rãi thì “cánh cửa vẫn đóng” đối với những người có nguy cơ mất việc (tức tỉ lệ thất nghiệp không được cải thiện).
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (tay trái) phát biểu tại một hội nghị mới đây diễn ra tại Washington
Bất cứ thỏa thuận thương mại nào cũng có tác động rất lớn, đặc biệt là khi nó liên quan tới 40% nền kinh tế thế giới với các nước: Úc, Brunei, Canada, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản, Chile, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.
Là một thượng nghị sĩ, bà Warren có thể xem xét các khía cạnh của thỏa thuận mà công chúng không thể tiếp cận. Bà đã bày tỏ lo ngại rằng nó có thể ảnh hưởng tới các quy tắc pháp lý vốn được sử dụng để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống tài chính như cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.
Bà viết: “Tất cả chúng ta đều đã thấy được những mưu mô và thủ đoạn của các công ty ẩn đằng sau những bản hợp đồng “màu hồng”. Họ đã hợp pháp hóa những quy định của mình để mọi thứ diễn ra theo cách họ muốn. Hãy tưởng tượng những gì họ có thể làm với TPP đằng sau bức màn bí mật”.
Bà nói thêm: “Người Mỹ sẽ phản đối một hiệp định thương mại nếu họ nhìn thấy nó, và thỏa thuận đó sẽ không thể trở thành luật của Hoa Kỳ”.
Hôm thứ Tư (22-4), Ủy ban Tài chính Thượng viện đã thông qua luật rút gọn, khiến TPP tiến gần hơn tới hiện thực. Bất chấp sự phản đối của nhiều người Đảng Dân chủ, dự luật vẫn được thông qua.
Phát biểu trước một nhóm người ủng hộ vào tối thứ Năm (23-4), Tổng thống Obama một lần nữa lên tiếng bảo vệ TPP, khẳng định đó không có gì giống với Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) trước đây đã gây nhiều tranh cãi trong Đảng Dân chủ vào những năm 1990.