“Ngập úng ở khu vực Bàu Cát (đường Đồng Đen, Nguyễn Hồng Đào, Trương Công Định, Bàu Cát, Hồng Lạc, Phạm Phú Thứ…) và các tuyến đường Hòa Bình, Âu Cơ… đã được cải thiện đáng kể” - ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình Nâng cấp Đô thị TP.HCM, nhấn mạnh tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP vào ngày 24-6.
Tình trạng ngập trên đường Hòa Bình, quận 11 (ảnh trên, chụp năm 2013) đã được cải thiện trong những trận mưa lớn đầu mùa 2014 (ảnh dưới, chụp chiều tối 24-6 sau một cơn mưa lớn). Ảnh: M.PHONG - M.QUÝ
Hết phải đi vòng hoặc ngồi chờ nước rút
Theo bà Lê Huyền Trang (đường Thoại Ngọc Hầu, quận Tân Phú), trong mùa mưa trước các tuyến đường nêu trên hễ có mưa là ngập nặng. Nhiều người phải đi đường vòng tránh ngập hoặc ngồi chờ trong một thời gian dài, đợi nước rút hết mới về được nhà.
“Có hôm chờ hoài nước không rút, tôi đành dắt xe chết máy lội bì bõm trong dòng nước sâu. Khi về đến nhà đã gần 22 giờ, mấy mẹ con ướt như chuột lột. Tuy nhiên, tình trạng trên đã không còn xảy ra trong nhiều cơn mưa đầu mùa vừa qua” - bà Trang nói.
Tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Liêm cho biết khu vực trên nằm trong dự án cải tạo kênh, đường cùng cải thiện hệ thống cống thoát nước trong lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, thuộc dự án nâng cấp đô thị. Ở một số hạng mục của dự án, việc thi công gặp nhiều khó khăn do mặt bằng chật hẹp, nền đất yếu trong khi nhà dân lại xây khá tạm bợ nên đã xảy ra tình trạng một số lượng lớn nhà dân lún, nứt. Nhiều người còn phản ứng việc nhà thầu thi công vào ban đêm bằng cách chọi đá, thuê giang hồ hăm dọa…
“Để đảm bảo tiến độ, trong những tháng mùa khô, ban quản lý yêu cầu các nhà thầu mở nhiều mũi thi công, tăng ca, làm việc cả ngày lễ. Hiện hệ thống cống hộp đã đấu nối hoàn tất; 53 tuyến đường, hẻm và cụm hẻm trong lưu vực (gồm nhiều nơi ở các quận 6, 11, Tân Bình và Tân Phú) đã được nâng cao nên tình trạng ngập úng khi có mưa lớn hay triều cao đã được giải quyết cơ bản. Dù vậy, ở một số tuyến đường do thấp hơn mực nước triều cường nên vẫn còn ngập” - ông Liêm nói.
Tận dụng nguồn vốn tiết kiệm
Trao đổi thêm với Pháp Luật TP.HCM, ông Liêm cho biết: Qua đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công dự án trên, ban quản lý đã tiết kiệm được khoảng 36 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ cho dự án nâng cấp đô thị TP.HCM. Nguồn vốn này được dùng để xây mới bốn cầu Kiệu, Bông, Lê Văn Sỹ (trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) và cầu Hậu Giang bắc qua kênh Tân Hóa.
Sau khi xây bốn cầu trên, nguồn vốn vẫn còn dư khoảng 17 triệu USD. Mới đây, ban quản lý đề xuất và TP.HCM đã chấp thuận sử dụng số tiền này để xây mới cầu ông Buông 1, ông Buông 2; nâng cấp, mở rộng đường Lũy Bán Bích - Tân Hóa; lắp đặt khoảng 2 km cống thoát nước trên đường Nguyễn Văn Quá…
“Ban quản lý sẽ yêu cầu nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị để từ đây đến cuối năm hoàn tất việc nâng cấp, mở rộng đường Lũy Bán Bích - Tân Hóa. Riêng các cầu ông Buông 1, ông Buông 2 có thể không hoàn thành trong năm 2014 nên chúng tôi kiến nghị TP.HCM dùng ngân sách “ứng cứu”. Bởi sau ngày 31-12-2014, WB sẽ chấm dứt giải ngân cho dự án” - ông Liêm cho biết.
Dự kiến trong tháng 8-2014, TP bắt đầu mở rộng gần 5 km mặt đường Lũy Bán Bích - Tân Hóa lên 23 m (cho bốn làn xe) và nâng cao mặt đường (có đoạn nâng 0,9 m). Đường Lũy Bán Bích - Tân Hóa dài gần 5 km đi qua các quận 6, 11 và Tân Phú, là tuyến đường quan trọng nối từ nút giao thông Phú Lâm (quận 6) đến khu vực Bà Quẹo. Từ năm 2011, việc giải phóng mặt bằng và chuẩn bị dự án đã được hoàn tất. “TP.HCM đã làm việc với Tổng Công ty Xây dựng số 1 về việc đơn vị này ứng vốn thực hiện dự án. Tuy nhiên, dùng vốn tiết kiệm từ dự án nâng cấp đô thị để đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường trên sẽ hiệu quả hơn nhiều” - ông Lâm Nguyên Khôi, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, cho hay. |
MINH PHONG