Thời điểm nổ súng phải được quy định chặt chẽ

Chiều 31-10, Quốc hội đã thảo luận tổ về dự án Luật Quản lý và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Lực lượng nào được trang bị súng và được nổ súng trong trường hợp nào là hai vấn đề trọng điểm được các đại biểu (ĐB) nêu ý kiến.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng An ninh cho hay có ý kiến đề nghị bổ sung công an xã vào đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ, vì cho rằng thực tế lực lượng này có nhu cầu và đã được trang bị. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không trang bị vũ khí quân dụng cho công an xã. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc trang bị vũ khí cho “cơ quan điều tra của VKSND Tối cao”, vì cho rằng căn cứ tính chất của hoạt động điều tra và đối tượng điều tra của lực lượng này chủ yếu là cán bộ nhà nước nên không cần thiết phải sử dụng vũ khí.

Ủng hộ việc giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho công an xã nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị phải chính quy hóa lực lượng này, vì hiện nay đầu vào của công an xã rất thấp, trong khi đó những công cụ giao cho họ “có thể gây sát thương chết người”. Về việc trang bị vũ khí cho điều tra viên của VKS Tối cao, bà Nga nêu quan điểm: “Các cơ quan điều tra khác được giao vũ khí, công cụ hỗ trợ thì làm sao CQĐT của VKSND Tối cao lại không được giao. Một khi đã là tội phạm rồi, tính chất ở mỗi loại tội khác nhau thì khác nhau chút ít. Tuy nhiên, không thể nói rằng hoạt động điều tra và đối tượng điều tra của lực lượng này chủ yếu là cán bộ, công chức nhà nước nên không cần thiết phải giao vũ khí quân dụng”.

Về vấn đề được nổ súng trong trường hợp nào (Điều 21, dự án luật này), ĐB Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nêu quan điểm: “Nếu quy định quá chặt thì bó tay cơ quan chuyên ngành, không đảm bảo đáp ứng yêu cầu giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh với tội phạm nhưng nếu quy định quá lỏng thì sẽ dẫn đến lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền công dân”. Theo đó, ông Hồng đề nghị thiết kế chặt chẽ các điều khoản những trường hợp được nổ súng sau khi đã cảnh báo. “Ví dụ trường hợp nổ súng khi đối tượng dùng “vũ lực” uy hiếp nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Điều này có thể suy ra rất nhiều biểu hiện như đấm đá hay xô đẩy nên quy định thế này là chưa chặt chẽ. Cần làm rõ vũ lực đến mức độ nào thì có thể nổ súng” - ông Hồng nói.

Cùng vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định: “Giới hạn mong manh giữa đúng và sai (khi nổ súng - PV) rất khổ cho anh em thi hành công vụ nhưng cũng có những trường hợp lạm dụng. Đến khi ra tòa phán nếu quy định tù mù, không rõ thì rất khó. Cấp này phán anh sai thì anh phạm tội, cấp kia thì lại phán anh đúng, anh không phạm tội” - bà Nga nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đề nghị: “Vì tính chất quan trọng của luật nên mọi vấn đề phải hết sức cụ thể, nếu không đi vào cuộc sống sẽ khó cho người sử dụng phương tiện, khó cho chiến sĩ công an và khó cả cho những công dân khi đối mặt với tình huống. Đâu là điểm dừng, đâu là tình huống sẽ xảy ra nổ súng. Phải có ranh giới rõ ràng” - ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới