Thời hạn sở hữu nào là thích hợp với bất động sản Việt Nam?

Chia sẻ tại hội thảo Xu thế sở hữu bất động sản: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam vừa diễn ra sáng nay (16-8), GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho biết: “Cơ chế bền vững nhất là đất đai được sử dụng có thời hạn dưới hình thức thuê đất trả tiền hằng năm. Người sử dụng đất có trách nhiệm cao về sử dụng, hiệu suất sử dụng đất cũng cao, giảm chi phí đất đai trong sản phẩm hàng hóa, nguồn thu ngân sách ổn định”.

Ông Võ cho biết thêm ban đầu ban soạn thảo Luật Nhà ở 2014 đã đề xuất thời hạn sở hữu đất chung cư là sở hữu có thời hạn nhưng Quốc hội không đồng ý và cho rằng đất chung cư cũng là vô thời hạn. "Do đó nói rằng đất ở có thời hạn càng khó hơn. Với loại hình condotel vừa có thể để ở được vừa kinh doanh, quan điểm của tôi đất ở cho lâu dài, condotel cũng nên cho ở lâu dài" - ông Võ nói. 
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, chia sẻ: "Đến nay chúng tôi chưa từng nhìn thấy một tờ giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với sản phẩm condotel. Khung pháp lý của sản phẩm này còn nhiều lấn cấn, người mua khi ký hợp đồng mua cũng không có được câu trả lời rõ ràng từ nhà đầu tư".

Thời hạn sở hữu nào là thích hợp với bất động sản Việt Nam? ảnh 1
Ảnh minh họa

Chia sẻ kinh nghiệm ở các nước, bà Dung cho biết trên thị trường vẫn có cả hình thức sở hữu lâu dài và sở hữu có thời hạn. Tại Việt Nam có dự án sở hữu lâu dài nhưng những dự án trọng điểm thì đa số cũng chỉ sở hữu 50 năm. Thái Lan sở hữu lâu dài, Singapore sở hữu lâu dài hoặc 99 năm, với Philippines chính phủ chỉ cho tất cả dự án sở hữu 50 năm.
Có tới hơn 70/220 quốc gia trên thế giới quy định căn hộ là sở hữu có thời hạn, không có loại hình nào sở hữu vĩnh viễn cả. Như vậy, có những thị trường dù nó là sản phẩm căn hộ gì thì cũng không có sở hữu vĩnh viễn.
Đối với bất động sản nghỉ dưỡng, Việt Nam được sở hữu 50-70 năm nhưng tại Thái Lan loại hình này chỉ có "date" 30 năm trong khi số lượng căn hộ nghỉ dưỡng ở Phuket gấp ba lần ở Đà Nẵng. Quy định này áp dụng cho cả người nước ngoài và người Thái Lan.
Indonesia được sở hữu lâu dài nhưng chưa có nguồn chính thống để đưa ra con số chính xác. Trung Quốc, đối với căn hộ bán để ở chỉ được sở hữu tối đa 70 năm, có những dự án sở hữu 40-50 năm.

TS Hà Tôn Minh, chuyên gia kinh tế và cũng là một Việt kiều đầu tư bất động sản, chia sẻ: "Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế khác nhau quá xa. Bản thân tôi cũng đã về Việt Nam lâu nhưng để sở hữu, đầu tư bất động sản tại Việt Nam vô cùng phức tạp. Tôi rất muốn mua nhà ở Việt Nam nhưng quy định trên dưới không thống nhất, muốn mua để bán lại cũng không được, mua rồi đến khi tôi về nước một thời gian cho bạn nước ngoài ở nhờ cũng không được".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm