TP.HCM từng là điểm nhấn của bóng đá cả nước với hơn nửa quân số trong đội tuyển và là địa phương có đến ba đội mạnh, có Trường nghiệp vụ Thể thao đào tạo cầu thủ chất lượng luôn về đầu trong các giải trẻ.
|
Chuyến tập huấn châu Âu của tuyển Việt Nam năm 1996, trong số này có đến chín cầu thủ và hai HLV của TP.HCM. Ảnh: TƯ LIỆU |
Đột phá từ nhân sự Liên đoàn Bóng đá TP.HCM
Thời hoàng kim đó phải nhắc đến vai trò của LĐBĐ TP.HCM (HFF) thành lập năm 1990 đã có bước đột phá táo bạo, đặc biệt là được UBND TP.HCM ủng hộ hết mình cho đơn vị xã hội hóa đầu tiên. Chủ tịch HFF khi ấy là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Huấn. Phó chủ tịch HFF phụ trách tài chính là một chuyên viên kinh tế của Thành ủy TP.HCM - ông Nguyễn Tấn Minh. Tổng thư ký HFF là Phó Giám đốc Sở TDTT TP.HCM Nguyễn Thanh Toàn vốn là cựu cầu thủ Thể Công. Với vị thế đó, tiếng nói của HFF dù là đơn vị xã hội hóa nhưng rất mạnh, đặc biệt trong các cuộc họp để xin cơ chế, chủ trương. Bằng chứng bóng đá TP.HCM có điều kiện hoạt động tốt và phát triển đó là HFF đã được giao sân Thống Nhất để quản lý và cả cơ chế miễn thuế cho các hoạt động để bóng đá TP.HCM phát triển, nâng tầm.
Thời điểm đó ngay trong nhiệm kỳ I, HFF được giao cố vấn về chuyên môn và lắng nghe, giúp đỡ ba đội mạnh của TP.HCM. Ngoài ra, HFF còn liên kết với các LĐBĐ nước ngoài, với AFC mở rộng mối quan hệ, đồng thời thành lập đội tuyển TP.HCM đi thi đấu giao hữu, tổ chức Cúp bóng đá TP.HCM gây tiếng vang lớn trong khu vực và làm cầu nối cả cho đội tuyển Việt Nam có những chuyến tập huấn nước ngoài, những giải đấu chất lượng.
Đó là giai đoạn dài bóng đá TP.HCM tự hào với những tên tuổi lớn. Không ít lần đội tuyển tập trung, danh sách cầu thủ của TP.HCM chiếm đến hơn phân nửa đội tuyển và đội hình chính thường xuyên có 4-6 cầu thủ TP.HCM.
Thành công nhất của bóng đá TP.HCM trong thời điểm đó là hoạt động rất hiệu quả của các tuyến năng khiếu ở TP.HCM mà đứng đầu là Trường nghiệp vụ Thể thao, nơi quy tụ những thầy giỏi có tâm lẫn có tầm.
Hiệu quả từ các tuyến năng khiếu
Ở đây phải thừa nhận thành công nhất của bóng đá TP.HCM trong thời điểm đó là hoạt động rất hiệu quả của các tuyến năng khiếu ở TP.HCM, mà đứng đầu là Trường nghiệp vụ Thể thao, nơi quy tụ những thầy giỏi và có tâm lẫn có tầm. Hiệu quả và đáng ghi nhận nhất là lứa cầu thủ ra trường năm 1991 của Trần Minh Chiến, Nguyễn Liêm Thanh, Nguyễn Chí Bảo, Hứa Hiền Vinh, Châu Trí Cường, Hoàng Hùng… về thẳng đội CA TP.HCM và nhanh chóng định hình, trở thành những tuyển thủ quốc gia. Giai đoạn đó chưa có những lò đào tạo tư nhân nhưng các trung tâm khác như Nguyễn Du, Tao Đàn cũng để lại nhiều dấu ấn đậm nét với những cầu thủ chất lượng, hội tụ cả bóng đá đường phố lẫn đào tạo cơ bản.
Thành công bằng sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Minh, nguyên Phó Chủ tịch HFF ngay trong nhiệm kỳ đầu, đã khẳng định: “Người ta cứ nghĩ làm bóng đá là phải từ những người biết bóng đá nhưng thú thật khi TP.HCM đưa tôi sang làm phó chủ tịch HFF thì tôi không biết quả bóng có mấy múi thật. Tuy nhiên, là người quản lý, lại là người của Thành ủy, Ủy ban đưa sang, tôi biết vận dụng những điều cần kíp để phát triển bóng đá, bắt đầu từ khai thác cơ sở vật chất mà cụ thể là sân Thống Nhất, sao cho đi dần đến hướng bóng đá chuyên nghiệp. Chuyên môn khi đó đã có anh Nguyễn Thanh Toàn là cựu cầu thủ, là phó giám đốc Sở TDTT; có anh Dương Vũ Lâm, Dương Nghiệp Khôi đều là những người am hiểu về bóng đá. Và HFF khi đó đã kết hợp giữa chuyên môn với kinh tế lẫn đối ngoại. Sân Thống Nhất sáng đèn, TP.HCM có đội tuyển mạnh với đa phần khoác áo đội tuyển quốc gia, các CLB được hỗ trợ…”.
Trong khi đó, nguyên Tổng thư ký HFF khóa I Nguyễn Thanh Toàn từng chia sẻ: “Thành công của bóng đá TP.HCM gắn với HFF thời hoàng kim đó là chúng tôi phối hợp được giữa phần Nhà nước và phần xã hội. Chủ tịch HFF Nguyễn Văn Huấn khi đó là phó chủ tịch UBND TP.HCM nên khi có những vấn đề cần hướng dẫn, từ bộ máy nhà nước anh Ba Huấn lúc đó chỉ đạo liền và kịp thời. Ngược lại, những khó khăn của HFF khi cần xin cơ chế hay cần gõ cửa các cơ quan thì tiếng nói của anh Ba Huấn cũng rất gần với lãnh đạo TP”.
Một nghịch lý của bóng đá TP.HCM thời bấy giờ và hiện nay đó là trong sự phát triển của bóng đá TP.HCM nói chung thì những nhà làm bóng đá khai thác được thế mạnh của trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước. Vai trò của các doanh nghiệp lúc đó chưa lớn nhưng các đối tác đến với bóng đá TP.HCM từ cái tầm và cách làm của những nhà quản lý rất lớn. Đó là thời điểm mà khi bóng đá Việt Nam còn khó khăn với nguồn tài trợ thì những tập đoàn lớn như LG, Strata, Honda, Samsung… đã đến với bóng đá TP.HCM. Trong khi đó, với khó khăn về thành tích của bóng đá TP.HCM như hiện nay thì việc tìm nguồn lại lệ thuộc nhiều vào những ông chủ đang đầu tư cho đội bóng làm ăn ngoài bóng đá như thế nào. Cũng có những đội bóng từng có hộ khẩu tại TP.HCM rồi sớm bị xóa sổ hay bán tháo đi do ông chủ thua lỗ hoặc không khai thác, không thành công, nhất là trong lĩnh vực bất động sản (chúng tôi sẽ đề cập kỹ hơn về vấn đề này trong những số báo tới).•
Nghịch lý nguồn cầu thủ trẻ của hai đội bóng TP.HCM
|
Không ít cầu thủ TP.HCM là những tuyển thủ thành danh từ đội SL Nghệ An đầu quân về. Ảnh: ANH PHƯƠNG |
Trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo TP.HCM, cả hai CLB Sài Gòn và TP.HCM đều đề cập khá nhiều đến cơ chế, sân bãi và những phần nổi để phát triển nhưng lại rất ít đề cập đến vấn đề thiết yếu là nguồn cầu thủ từ hệ thống trẻ.
Nhìn vào lực lượng CLB TP.HCM không khó để nhận ra nguồn cầu thủ từ TP.HCM rất ít, thay vào đó là các cầu thủ đã thành danh ở các đội bóng, đặc biệt là SL Nghệ An về đầu quân rất nhiều với phương thức không nuôi quân nhưng có tiền mua hoặc lót tay đậm là có cầu thủ giỏi. Tìm một gương mặt trẻ trưởng thành từ cái nôi bóng đá TP.HCM ở đội TP.HCM gần như là không có. Điều này khác hẳn với B. Bình Dương mời ông Đặng Trần Chỉnh vốn là cầu thủ và HLV Cảng Sài Gòn về hệ thống, đào tạo các tuyến trẻ. Và đến nay B. Bình Dương đã có không dưới nửa đội hình trẻ từ cái nôi bóng đá trẻ Bình Dương và thi đấu khá thành công. B. Bình Dương cũng là CLB chiêu mộ ông Lư Đình Tuấn từ CLB TP.HCM về làm HLV trưởng và lập tức có ngay hai chiến thắng quan trọng.
Còn với CLB Sài Gòn thì phần gốc là đội trẻ Hà Nội thăng hạng chuyên nghiệp và bầu Hiển đã xin “chuyển hộ khẩu” về TP.HCM, lấy tên Sài Gòn FC. Đội bóng dưới tay bầu Hiển thi đấu không đạt thành tích cao nhưng là đội khó xuống hạng bởi lối chơi có cá tính. Sau khi bầu Hiển chấp nhận nhượng đội bóng lại cho êkíp mới thì đội bóng này thành công ngay trong mùa đầu năm 2020 dưới tay HLV Vũ Tiến Thành, vốn từng là HLV năng khiếu đào tạo ra nhiều thế hệ cầu thủ tài năng của bóng đá TP.HCM. Sau một mùa thành công thì lãnh đạo CLB Sài Gòn lại thay đổi cách làm và kéo dần đến sự sa sút như hiện nay. Sài Gòn FC cũng là một trong những đội bóng không có tuyến trẻ được đào tạo và đang phải mua cầu thủ từ nhiều nguồn.
Một nghịch lý là trong khi hai đội TP.HCM không có tuyến trẻ thì bóng đá TP.HCM lại nổi lên rất nhiều lò đào tạo bóng đá trẻ và lập tức được các đội bóng như Viettel, B. Bình Dương kết nối lẫn hỗ trợ để đào tạo cầu thủ và tất nhiên là cho các CLB này.