COVID-19 đặt ra rất nhiều vấn đề kinh tế - xã hội đan xen và chủ đề đó tiếp tục được đề cập trong phiên thảo luận buổi chiều của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, mà phát biểu từ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp là một ví dụ.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI nhận định: “Nhìn lại hai năm vừa qua, COVID-19 là câu chuyện thời sự nóng bỏng trên toàn cầu. Một con vật chúng ta không nhìn thấy mà làm toàn thế giới điêu đứng”.
Đại dịch COVID-19 thực tế đã là một đại họa về y tế, kinh tế, đã lấy đi sinh mệnh của hơn 5 triệu người trên thế giới trong đó có hơn 2 vạn người ở Việt Nam. Trong cuộc chống chọi ấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội cũng như sự kiên cường khi vừa đóng góp cho xã hội hàng chục nghìn tỉ đồng hỗ trợ cho công cuộc chống dịch, đồng thời chăm lo cho người lao động của mình.
Mặc dù COVID-19 càn quét rất nặng nề ở các tỉnh phía Nam nhưng các doanh nghiệp đã cố gắng giữ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ việc làm, thu nhập cho người lao động.
Có những doanh nghiệp phải áp dụng “3 tại chỗ”, chi phí tăng lên rất nhiều, chấp nhận duy trì sản xuất không lợi nhuận. Có những chủ doanh nghiệp lấy tiền tích lũy để hỗ trợ người lao động về đời sống, chăm sóc y tế, chăm lo chỗ ở. Họ làm việc với các cơ sở cho thuê nhà để giảm bớt chi phí cho người lao động, cung ứng thực phẩm, chăm sóc tinh thần cho công nhân trong những ngày gian khó…
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI (trái) tại phiên tọa đàm về lao động chiều 5-12. Ảnh: QH
Theo ông Công, khi dịch bệnh đi vào ổn định, người lao động cần nhất là việc làm và thu nhập. Vậy thì doanh nghiệp phải phục hồi và đón công nhân trở lại làm việc, đào tạo lại, bảo đảm an toàn sức khoẻ, lo lắng vaccine và chăm sóc y tế cho người lao động. Nếu không người lao động không thể an tâm làm việc.
“Đây là hai yêu cầu trước mắt, ngắn hạn” - ông Công nói, và nhấn mạnh vấn đề dài hạn: “Phải hướng đến mục tiêu như ông cha ta từng nói, an cư mới lạc nghiệp. Không thể để cho người lao động ở trong những nhà trọ mấy mét vuông, điều kiện hết sức khó khăn. Rõ ràng nếu xảy ra dịch bệnh thì người lao động ở những khu vực này sẽ bỏ đi hết”.
Theo Chủ tịch VCCI, hướng đến mục tiêu 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển thì không thể chấp nhận người lao động sống như vậy. “Ngay từ ngày hôm nay, chúng ta nhân dịp này phải xúc tiến chương trình bảo đảm chỗ ở cho người lao động, có an cư mới an tâm, có an cư mới không xảy ra tình trạng hàng triệu người rời bỏ các địa phương như vừa rồi”.
Lãnh đạo tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Phạm Tấn Công cho biết doanh nghiệp sẵn sàng tham gia giải quyết vấn đề dài hạn này, nhưng Nhà nước cần có cơ chế, chính sách, điều kiện ưu đãi.
Lạc nghiệp là phải có một việc làm ổn định thu nhập tốt và kéo theo là phải có một chương trình quốc gia để đào tạo kỹ năng nghề cho công nhân, giúp doanh nghiệp dịch chuyển chuỗi giá trị sản xuất để tạo thu nhập cao hơn cho người lao động.
Theo ông Công, cần cơ cấu lại tổng thể lực lượng lao động ở Việt Nam, dần hạ tấp tỷ lệ lao động phổ thông, dịch chuyển sang lao động ở bậc cao hơn. Ngoài ra, quy hoạch kinh tế - xã hội cần hướng đến lao động tại chỗ để tránh việc dịch chuyển lao động quá lớn như vừa qua.
“Bây giờ chúng ta bình thường mới thì cần một thể chế mới. Chính COVID- 19 tạo áp lực cho chúng ta. Đây là cơ hội lịch sử, cơ hội vàng để chúng ta đột phá về thể chế” - ông Công nói.
Vậy nên, ngoài các gói hỗ trợ mà Chính phủ, Quốc hội đang tính toán, Chủ tịch VCCI cho rằng doanh nghiệp mong muốn có gói cải cách thể chế. Gói hỗ trợ có thể giúp kinh tế phục hồi, nhưng để phát triển bền vững thì cần những động lực từ thể chế. Gói thể chế này cần được coi là một phần trong chương trình phục hồi và phát triển bền vững.
“Tôi cho rằng đây mới là gói cứu trợ mà cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi nhất. Để phục hồi và phát triển một cách bền vững cần cách tiếp cận mới, nhận thức mới, cần chính sách và thể chế mới”, ông Công nhận định.