Các dự án thua lỗ: Khó khăn chồng chất khó khăn

Liên quan đến các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương, tại cuộc họp của Chính phủ với các bộ, ngành về xử lý các dự án này, ngày 27-3, lãnh đạo các doanh nghiệp vẫn cho biết không thể giải quyết bằng con đường đàm phán với các nhà thầu Trung Quốc và đành trông đợi vào ý kiến của các bộ, ngành để khởi kiện ra tòa. Cuộc họp do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì.

Nhà thầu Trung Quốc đòi tăng vốn cả trăm triệu USD

Ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), cho biết dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 không đàm phán được với tổng thầu (tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc - MMC) vì điều kiện tiên quyết của nhà thầu là phải tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD để hoàn thành dứt điểm dự án.

Theo ông Phúc, kết luận của Thanh tra Chính phủ yêu cầu phải thu hồi 13 triệu USD mà Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đã thanh toán sai quy định cho MMC nhưng nhà thầu này không phản hồi về việc sẽ chuyển trả khoản tiền này.

“Chúng tôi đã trích lục kết luận nội dung này để chuyển cho phía MMC. Tuy nhiên, phía đối tác không hứa sẽ trả. Hiện khả năng đàm phán với đối tác để nhà thầu trở lại hoàn thành nốt các phần việc dở dang gần như bất khả thi” - ông Phúc chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng phía VNSTEEL phải tiếp tục làm rõ các vướng mắc với nhà thầu, cáo bạch rõ thực trạng của dự án để xử lý theo hướng có lợi hơn cho tổng công ty.

Với các vướng mắc pháp lý như trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng phải xử lý được thì mới thực hiện được tiếp các thủ tục bán, thoái vốn khỏi các nhà máy, dự án. Các bộ và doanh nghiệp tập trung xử lý vấn đề này cũng như việc quyết toán các dự án trên tinh thần kiên nhẫn để đạt được thỏa thuận với các bên liên quan, theo hướng có lợi nhất.

Trong trường hợp khó đàm phán được với nhà thầu EPC, Phó Thủ tướng đồng tình với việc đưa ra tòa xử lý; giao Bộ Tư pháp nghiên cứu phương án thoái vốn khỏi các nhà máy. “Bộ Công Thương chuyển giao VNSTEEL về Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý, xử lý dứt điểm hợp đồng EPC và giải chấp bảo lãnh của VNSTEEL trước khi cổ phần hóa” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: PV

Lo kéo sập cả Tập đoàn Hóa chất

Cùng chung cảnh ngộ khó khăn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Phú Cường cho biết để có được kết quả khả quan năm 2018, ngoài giải pháp được giãn khấu hao và thuế phòng vệ, các đơn vị của tập đoàn đều thực hiện việc tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, khó khăn ông Nguyễn Phú Cường đưa ra là tái cơ cấu các khoản vay. Theo tính toán, năm 2019 các khoản vay, lãi phải trả của Nhà máy đạm Hà Bắc là 870 tỉ đồng trong kế hoạch doanh thu khoảng 3.100 tỉ đồng. Ông Cường cho hay đây là “gánh nặng khủng khiếp nếu không được tái cơ cấu các khoản vay”.

Theo ông Cường, tính bình quân lãi suất vay đầu tư của nhà máy này 10,78%/năm, chưa kể lãi phạt. Vì thế dù nhà máy thực hành tiết kiệm nhưng gánh nặng chi phí lãi vay nên vẫn rất khó khăn.

“Nhà máy vẫn hoạt động, sản xuất ra sản phẩm cung ứng cho thị trường, như sáu tháng đầu năm đã sản xuất 60.000 tấn urê nhưng chi phí lớn quá, không thể kham nổi, không biết xoay xở thế nào nếu vẫn giữ tình trạng trả lãi vay như thế này” - ông Nguyễn Phú Cường nói.

Tương tự, ông Cường cũng dẫn chứng thêm dự án Đạm Ninh Bình. Đây là dự án phải “đắp chiếu” suốt hai năm và mới khởi động lại từ đầu năm 2018, chi phí tài chính quá lớn, hiện tất cả hợp đồng tín dụng đều do Vinachem vay để trả đầu tư cho dự án. “Nếu tiếp tục duy trì các khoản nợ, không được vay lại thì Vinachem cũng không đủ khả năng trả nợ. Hiện dự án hoạt động chủ yếu nhờ khách hàng ứng tiền trước và nhà máy mang tiền đó đi mua than để sản xuất. Đạm Ninh Bình hiện “sống” dựa vào tiền mua hàng ứng trước của khách hàng. Bản thân cán bộ Vinachem cũng phải cùng anh em nhà máy xuống tận các đại lý, khách hàng vận động họ mua hàng, ứng tiền trước cho nhà máy” - ông Cường nêu thực tế.

Đáng lo hơn, ông Cường cho rằng nếu tình trạng này kéo dài sẽ kéo sập không chỉ Đạm Ninh Bình mà kéo sập cả Vinachem, vì tính đến thời điểm này vốn đầu tư tập đoàn đưa vào trong dự án lên đến 6.000 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ của tập đoàn chỉ hơn 13.000 tỉ đồng. “Giờ quá khó, chỉ có bán nhà máy này đi lấy tiền trả nợ” - ông Cường nói và kiến nghị các bộ, ngành cho khoanh các khoản nợ của Đạm Ninh Bình, có giải pháp về hợp đồng vay với một số ngân hàng và lâu dài bán nhà máy lấy tiền trả nợ.

Hiện nay, Cục CSĐT về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03), Bộ Công an đã làm việc với Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên để thu thập tài liệu liên quan đến dự án giai đoạn 2 gang thép Thái Nguyên. TISCO đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ, cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan cho C03, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an bốn dự án gồm: Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi; dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên và dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ. Trong đó, Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án tại hai dự án (dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ và dự án Nhà máy sản xuất năng lượng sinh học Phú Thọ). Bộ Công an cũng đang tiếp tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình và tổ chức trinh sát, nắm tình hình, điều tra, xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ các sai phạm (nếu có) tại các dự án, doanh nghiệp khác. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm