Sau chỉ đạo của UBND TP.HCM về thay đổi phương thức làm việc của cơ quan, đơn vị nhà nước đảm bảo phù hợp trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã đồng loạt có văn bản khẩn thực hiện việc này.
Các quận, huyện chỉ tiếp nhận trực tiếp một số hồ sơ cấp bách. Ảnh: LÊ THOA
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Quyền Chủ tịch UBND quận 1, đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị bố trí không quá 1/2 số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà đối với các nhiệm vụ được phân công.
Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực cơ quan, trực hệ thống công nghệ thông tin, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại trụ sở.
Các cán bộ cư ngụ tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 được bố trí làm việc tại nhà. Trường hợp đặc biệt phải làm việc tại trụ sở cơ quan thì phải báo cáo xin ý kiến thủ trưởng đơn vị xem xét.
Theo bà Hường, quận 1 tăng cường sử dụng phần mềm văn phòng điện tử trên ứng dụng điện thoại di động, sử dụng hệ thống thư điện tử của TP để trao đổi công việc.
Thủ trưởng các cơ quan không tiếp nhận xử lý bằng hình thức văn bản giấy đối với các loại văn bản sau: giấy mời họp; tài liệu phục vụ họp; văn bản để biết, để báo cáo; thông báo chung của cơ quan; các tài liệu cần trao đổi trong quá trình xử lý công việc; lịch công tác cơ quan; công văn, thông tin chỉ đạo điều hành của lãnh đạo; các chương trình, kế hoạch tại cơ quan.
Đối với cán bộ công chức được phân công làm việc tại cơ quan phải thực hiện sát khuẩn tay nắm cửa phòng làm việc, khử khuẩn các vật dụng như mặt bàn, ghế, điện thoại, bàn phím, màn hình máy tính,….
Tương tự, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, đã đề nghị cán bộ, công chức làm việc tại nhà có trách nhiệm thường xuyên cập nhật tình hình công việc của cơ quan, đơn vị và báo cáo tiến độ, kết quả công việc cho người đứng đầu trực tiếp thông qua sử dụng công nghệ thông tin.
Phải mở điện thoại 24/24 giờ, chấp hành nghiêm túc sự phân công công tác của thủ trưởng. Không di chuyển khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết và chịu trách nhiệm về việc không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Đồng thời, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần công khai việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính và Danh mục thủ tục hành chính được tiếp nhận trực tiếp trong trường hợp đặc biệt, cấp bách tại trụ sở cơ quan, đơn vị, trên trang thông tin điện tử, các phần mềm ứng dụng trực tuyến khác (các App) của cơ quan, đơn vị (nếu có).
Theo ông Nhựt, các cơ quan, đơn vị chủ động thông tin việc trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích đến cá nhân, tổ chức để phối hợp thực hiện (trừ trường hợp quy định pháp luật bắt buộc cá nhân, tổ chức phải trực tiếp nhận kết quả).
Khuyến khích các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với các đơn vị bưu điện và các đơn vị, doanh nghiệp khác trả kết quả không thu phí qua bưu chính (theo hình thức văn thư đi) hoặc các hình thức chuyển trả đảm bảo khác cho cá nhân, tổ chức.
Trường hợp cá nhân, tổ chức đến trực tiếp trụ sở để nhận kết quả thì cơ quan, đơn vị vẫn thực hiện trả kết quả.
Chủ tịch UBND quận Bình Tân cũng giao Chủ tịch UBND 10 phường rà soát, theo dõi, yêu cầu các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn, bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn quản lý thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19. Khuyến khích các công ty này hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết các công việc thật sự cần thiết.
Danh mục thủ tục hành chính đặc biệt, cấp bách được tiếp nhận trực tiếp và khuyến khích trả kết quả qua dịch vụ bưu điện (theo chỉ đạo của UBND TP.HCM) : - Thủ tục hành chính liên quan đến công tác đăng ký khai sinh, khai tử. - Thủ tục hành chính thuộc các nhóm thủ tục liên quan đến: kho bạc, công chứng, chứng thực như di chúc, hợp đồng về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp bảo đảm để vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. - Thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội, thẻ bảo hiểm y tế. - Thủ tục khác liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. |