Theo đó, năm 2018 hệ thống tòa án đã có nhiều đổi mới, tích cực thực hiện 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử và thu được kết quả tích cực, chất lượng xét xử cao hơn. Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các vụ án lớn, trọng điểm, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Việc áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo, nhất là các bị cáo phạm tội về tham nhũng được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự và vụ án hành chính có nhiều tiến bộ, chú trọng việc tổ chức đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính và hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự.
Lãnh đạo TAND Tối cao đã chỉ đạo sửa đổi quy trình xử lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; tăng cường cơ chế giám sát, kiểm tra đối với công tác này; tăng cường cán bộ, thẩm phán cho các TAND Cấp cao và các đơn vị nghiệp vụ của TAND Tối cao; đổi mới công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ, thẩm phán có đủ phẩm chất, năng lực theo yêu cầu.
Mặc dù có những chuyển biến tích cực trên tất cả mặt công tác, hoàn thành cơ bản chỉ tiêu Quốc hội giao nhưng ông cũng chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong hoạt động của ngành tòa án năm 2018. Cụ thể như tỉ lệ giải quyết các vụ án hành chính và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt yêu cầu; còn có trường hợp áp dụng pháp luật không đúng, tiến độ giải quyết chậm, thời gian còn kéo dài. Tổ chức bộ máy của các tòa án còn có những bất cập, chưa hợp lý; vẫn còn để xảy ra một số trường hợp cán bộ, công chức tòa án có hành vi vi phạm, bị xử lý kỷ luật.
Thẩm tra báo cáo của chánh án TAND Tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá chất lượng tranh tụng tại phiên tòa được nâng lên. Hình phạt mà tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Việc cho các bị cáo hưởng án treo, áp dụng tình tiết giảm nhẹ bảo đảm đúng pháp luật (đạt 99,3%).
Đặc biệt, TAND Tối cao đã công khai các bản án trên cổng thông tin điện tử, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát, qua đó buộc mỗi thẩm phán phải đề cao hơn nữa trách nhiệm; bố trí lại phòng xử án theo yêu cầu cải cách tư pháp, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp tòa án tuyên mức án chưa tương xứng với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội; 86 trường hợp phải hủy án, 149 trường hợp phải sửa án. Còn 117 trường hợp cho hưởng án treo không đúng quy định, thậm chí có trường hợp tuyên án treo gây bất bình trong dư luận (vụ Nguyễn Khắc Thủy phạm tội dâm ô với trẻ em xảy ra tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Theo báo cáo, VKS đã ban hành 760 kiến nghị đối với TAND yêu cầu khắc phục các vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Trong năm 2018, cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã khởi tố, điều tra vụ án mới tăng 39,3%, số bị can khởi tố mới tăng 126,1%, trong đó có ba vụ án dùng nhục hình dẫn đến chết người xảy ra tại cơ sở giam giữ; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng (chiếm 69,2%), tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và tư pháp khác chiếm 30,8%. Đã ra lệnh bắt tạm giam 22 cán bộ là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên để phục vụ điều tra, truy tố. |