30 tổ chức xã hội khuyến nghị về quyền con người

Ngày 26-4, tại Hà Nội đã diễn ra chương trình tham vấn quốc gia về tình hình thực hiện quyền con người tại Việt Nam. Chương trình do Nhóm hợp tác thúc đẩy quản trị và cải cách hành chính công (GPAR) phối hợp cùng Mạng lưới giới và phát triển cộng đồng (GENCOMNET), Mạng lưới an ninh lương thực và giảm nghèo (CIFPEN) thực hiện.

Tại buổi tham vấn, các bên liên quan đã công bố Báo cáo của các tổ chức xã hội Việt Nam, đóng góp cho Kiểm điểm định kỳ toàn cầu tại Hội đồng nhân quyền 1-2014. Đây là lần đầu tiên các tổ chức xã hội Việt Nam tổ chức và tham gia xây dựng một báo cáo chính thức, độc lập và song song với báo cáo của Nhà nước để trình lên Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Báo cáo này có sự tham gia đóng góp trực tiếp của hơn 30 tổ chức xã hội và các chuyên gia độc lập thông qua các cuộc tham vấn nhóm và tham vấn trực tiếp. Thông qua buổi tham vấn, các tổ chức xã hội đã khuyến nghị một số vấn đề quan trọng như: Nhà nước cần tiếp tục có những nỗ lực toàn diện để thực thi tốt hơn nữa nghĩa vụ đảm bảo quyền con người, đặc biệt chú trọng đến quyền dân sự và chính trị. Cần nhanh chóng xúc tiến việc thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia độc lập và việc sửa đổi Hiến pháp chính là một cơ hội để cơ quan này ra đời, thúc đẩy quá trình thực thi quyền con người.

Bên cạnh đó, báo cáo của các tổ chức xã hội cũng đưa ra những khuyến nghị bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương và nhóm yếu thế như nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới, người khuyết tật, trẻ em bị xao nhãng và bỏ rơi…

Đáng chú ý, trong các khuyến nghị về các quyền dân sự và chính trị, báo cáo đã đưa ra những vấn đề cụ thể liên quan đến quyền tiếp cận thông tin, trong đó báo cáo nêu thực tế: “Các quy định về công khai thông tin hiện nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật còn thiếu chế tài và cơ chế xử lý vi phạm”. Từ đó, theo đại diện các tổ chức xã hội, điều này đã dẫn đến việc mặc dù pháp luật có quy định nhưng cán bộ vẫn trì hoãn, hoặc không cung cấp thông tin, quyền thông tin của người dân không được đảm bảo mà không ai phải chịu trách nhiệm. Báo cáo cũng chỉ ra hạn chế của người phát ngôn tại các địa phương thường kiêm nhiệm, dẫn tới không am hiểu tường tận các vấn đề của cơ quan nên thường bị động trong việc cung cấp thông tin, một số nơi còn mang tính hình thức. Thậm chí nhiều địa phương còn xảy ra hiện tượng lạm dụng việc ủy quyền phát ngôn.

Liên quan đến quy định về chế độ mật, báo cáo cho rằng việc này đang bị lạm dụng và diễn ra tương đối phổ biến. “Nhiều thông tin lẽ ra cần để công chúng biết nhưng lại được coi là thuộc phạm vi bí mật Nhà nước. Pháp luật có quy định về phạm vi, nội dung cần công khai, tuy nhiên chưa làm rõ phạm vi thông tin nào được công khai, không công khai mà chỉ quy định nguyên tắc chung rằng trừ những thông tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước hoặc các nội dung khác theo quy định của Chính phủ” - báo cáo chỉ ra.

Theo các tổ chức xã hội, việc này dẫn đến hiện tượng cán bộ cơ quan công quyền áp dụng dấu mật tùy tiện, thậm chí để trục lợi. Từ đó, báo cáo khuyến nghị một số vấn đề, trong đó có việc đề xuất ban hành một quy chế phát ngôn có tính chất bắt buộc trên toàn quốc, cũng như quy định chi tiết quy chế phát ngôn.

V.THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm