Cải cách hành chính: Băn khoăn chuyện “rõ người, rõ việc”

Tại hội nghị trực tuyến về cải cách hành chính (CCHC) và cải cách chế độ công vụ, công chức vào sáng 26-7, các đại biểu cho biết hiện vẫn còn tồn tại vấn đề trách nhiệm của người thực thi công vụ.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong thời gian qua trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra tình trạng xây dựng sai phép, tệ nạn xã hội gây bức xúc trong nhân dân. Lãnh đạo UBND TP.HCM đã tập trung kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và chỉ đạo tạm đình chỉ công tác, xử lý nghiêm minh đối với đội ngũ công chức không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra những sai phạm, tồn tại. Phó Thủ tướng biểu dương TP.HCM vì đã thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính cũng như đề cao trách nhiệm của cán bộ công chức.

Đánh giá chung, Phó Thủ tướng nhận xét người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến CCHC, chưa coi đó là nhiệm vụ chính trị thường xuyên. Nhưng khi Luật Công chức, Luật Viên chức đi vào triển khai, việc cải cách chế độ công vụ sẽ không thể lơ là mãi được nữa. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ ngành khẩn trương xác định vị trí việc làm trong cơ quan, đơn vị, tiêu chuẩn hóa cán bộ, lấy làm căn cứ để tinh giản biên chế. Ngoài luật ra, về mặt chính trị, Hội nghị Trung ương 7 vừa qua đã có kết luận là về số lượng biên chế tới đây sẽ bị khống chế theo cách tinh giản hai biên chế thì mới được tuyển dụng một.

Tuy nhiên, một số địa phương tỏ ra băn khoăn. Theo Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Trần Huy Sáng, xác định vị trí việc làm trong bộ máy hành chính nhà nước là chưa có tiền lệ, không có mô hình chuẩn mang tính phổ biến để tham khảo. Chưa kể hệ thống pháp luật thiếu ổn định, liên tục sửa đổi, bổ sung nên khó liệt kê công việc cho mỗi vị trí, chức danh. Ngoài ra, biên chế theo cách cũ - từ tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá, kỷ luật - tồn tại đã lâu không dễ thay đổi, nay cải cách sẽ chịu nhiều sức cản. Chưa kể phân cấp về thẩm quyền trong công tác cán bộ như hiện nay thì cho dù có chỉ ra được con người cụ thể chưa đáp ứng công việc thì cũng khó có thể chuyển đổi…

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương cần quyết tâm chính trị cao, coi CCHC, cải cách chế độ công chức, công vụ là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành. Cần bám chặt các luật mới, tiến hành xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức. Tập trung sửa đổi, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức, xây dựng hệ thống chức danh nghề nghiệp của viên chức.

Đánh giá cao kết quả ban đầu của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển dụng, quản lý công chức, viên chức, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương nhân rộng mô hình mà Bộ Nội vụ đang triển khai. Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu sớm xây dựng, đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu quản lý công chức, viên chức; thực hiện thí điểm chế độ công chức hợp đồng.

Kinh nghiệm của Đà Nẵng

Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, ông Đặng Công Ngữ, cho biết thành phố đã chủ động xây dựng bộ chỉ số riêng đánh giá chất lượng nền hành chính, lấy kết quả làm thước đo, nhận diện được 30% công chức không làm được việc.

Tất cả công chức ở Đà Nẵng phải ghi chép nhật ký làm việc, thống kê công việc hằng tháng, qua đó biết được ai làm việc thế nào, có bảo đảm thời gian, giờ giấc làm việc không. Đây là nền tảng thuận lợi để tới đây thành phố triển khai xây dựng vị trí việc làm theo luật mới.

Đà Nẵng đã tổ chức “một cửa liên thông” ở tất cả xã, phường, quận, huyện, đem lại hiệu quả tốt trong cung cấp dịch vụ hành chính công cho dân. Từ thành công này, Đà Nẵng đang xin phép triển khai một cửa điện tử cấp tỉnh. Nếu được Chính phủ ủng hộ, đây sẽ là địa phương đầu tiên thực hiện mô hình này.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm