Cải cách hành chính: Việc cấp thiết ngàn năm của dân tộc

Thời nào cải cách hành chính cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Qua đó, nhà nước thực hiện phương thức quản lý mới nhằm làm cho việc tổ chức bộ máy nhà nước phù hợp với hoàn cảnh thực tế, hoạt động nhà nước có hiệu quả hơn, đồng thời hoàn thiện mối quan hệ giữa nhà nước với dân.

Từ thế kỷ X, tổ tiên ta đã từng đề cao chủ trương “chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị”(1). Chính quyền tự chủ Khúc Thừa Hạo bắt tay sửa đổi phân cấp lãnh thổ, tổ chức lại bộ máy cầm quyền, đổi mới cách làm việc của quan lại sao cho đơn giản, gọn nhẹ; đồng thời kiên quyết bài trừ tham ô nhũng lạm. Sau đó là công cuộc cải cách bộ máy trị nước an dân của nhà nước Lý-Trần có lúc đề cao nhân trị, có khi thực hành pháp trị (thế kỷ XI-XIV), đặc biệt là công cuộc cải cách toàn diện của Hồ Quý Ly (thế kỷ XV), cải cách của vua Thánh Tông nhà Lê (thế kỷ XV), vua Minh Mệnh triều Nguyễn (thế kỷ XIX)...

Mỗi cuộc cải cách tuy hướng tới mục tiêu cụ thể khác nhau song thực chất đều quan tâm đến việc đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, cách thức làm việc và tác phong phục vụ của quan lại, công chức từ trung ương đến địa phương.

Đổi mới bộ máy

Năm 2009 này, nước ta sẽ bắt tay vào việc làm thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân ở 32 quận, 69 huyện, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước.

Đối với bộ máy tư pháp, sắp tới ta sẽ không tổ chức tòa án theo cấp hành chính như mô hình mẫu lâu nay nữa mà sẽ thiết lập tòa án theo khu vực. Quyền của cơ quan kiểm sát cũng từng bước được sửa đổi, tiến tới có thể sẽ chuyển đổi theo chức năng mới. Luật sư là người bảo vệ quyền lợi của công dân trước pháp luật sẽ được tạo thêm điều kiện thuận lợi để được tôn trọng đúng mức trong quá trình tư vấn, tố tụng, giúp đỡ nhân dân về mặt pháp luật.

Cuối năm 2008, đội ngũ công chứng viên tư đầu tiên đã được cấp giấy phép hành nghề. Sang năm 2009, họ sẽ là một lực lượng góp phần thay đổi dần thế độc quyền của công chứng nhà nước như lâu nay. Năm 2009 cũng bắt đầu áp dụng thử nghiệm chế định “thừa phát lại” ở TP.HCM. “Thừa phát lại” do tư nhân phụ trách sẽ thực hiện vai trò hỗ trợ, tống đạt, tổ chức thi hành các quyết định, bản án dân sự, lập vi bằng các sự kiện xã hội theo yêu cầu của công dân.

Công cuộc cải cách hành chính phải được tiến hành đồng thời với cải cách tư pháp, hướng tới hoàn thiện một xã hội văn minh - xã hội dân sự, xã hội công dân, nhà nước pháp quyền. Trong đó, vai trò chủ động, tự quản của các hội đoàn, tổ chức quần chúng được đề cao. Dân chủ rốt cuộc rồi được hiểu một cách nôm na, giản dị: của dân phải trả lại cho dân.

Mấy năm nay tòa án hành chính được thiết lập để bước đầu giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện giữa công dân với nhà nước. Sắp tới, thẩm quyền của loại tòa án “chuyên xử nhà nước” này sẽ tiếp tục được mở rộng. Luật Bồi thường nhà nước đang được Quốc hội thảo luận, khi ra đời sẽ làm cơ sở pháp lý để xét xử cán bộ, cơ quan nhà nước làm trái pháp luật trong khi thừa hành công vụ gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của công dân.

Sửa đổi cách làm việc, bài trừ tham nhũng

“Sửa đổi lề lối làm việc” là cách nói của Hồ Chí Minh sáu mươi năm trước đây, lâu nay chúng ta cũng quen gọi một góc cạnh đó là “cải cách thủ tục hành chính”. Thông thường trong chức năng nhiệm vụ của mình, các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm đến việc thực hiện quyền của mình cho thuận tiện, vững chắc bằng cách đưa ra những cách thức làm việc, hình thức giấy tờ khiến người dân gặp phải không ít khó khăn mỗi khi cần đến cơ quan công quyền thực hiện quyền lợi của mình. Cho nên cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính là công vụ tất yếu của cải cách hành chính. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan nhà nước là: “Cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì phải bỏ đi hoặc sửa đổi. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị đặt ra”(2).

Nhưng trong thực tế thời nào cũng vậy, tâm lý của một bộ phận quan chức, công chức là hay dựa dẫm vào câu chữ luật lệ để “hành” dân. Làm như vậy họ vừa có “oai” vì thể hiện được “quyền” của mình vừa có thể được “lợi”. Cho nên muốn giải quyết rốt ráo tệ trạng này, một mặt nhà nước thường xuyên rà soát, bãi bỏ kịp thời các thủ tục hành chính gây phiền phức, cực khổ cho dân, một mặt phải đẩy mạnh công cuộc bài trừ tham nhũng.

Vì vậy, nhiệm vụ kinh tế-xã hội trong năm 2009 của nhà nước và riêng ở TP.HCM đã được xác định là: “Kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp”(3).

LS-TS PHAN ĐĂNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm