Chính quyền đô thị phải được tự chủ, tự quản...

Tăng quyền tự quyết

So với mô hình “siêu đô thị” gồm TP lõi trung tâm và bốn TP vệ tinh mà UBND TP đã đề xuất trước đây thì mô hình chính quyền đô thị kiến nghị lần này đã thu hẹp quy mô cải cách đáng kể, chỉ tập trung cơ cấu lại tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND theo hướng tăng tính tự chủ, tự quản và tự chịu trách nhiệm.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Minh Trí đánh giá, ngoài ba quận trung tâm 1, 3, 5 có cơ sở hạ tầng quy hoạch từ xưa tương đối ổn định, còn lại các quận, huyện trong quá trình đô thị hóa đã để lại nhiều hệ lụy trong kết nối, sử dụng các công trình công cộng. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị: đường, cầu, thoát nước… đòi hỏi được quản lý thống nhất, đồng bộ liên thông thì hiện nay vẫn quản lý theo ranh hành chính, cắt khúc từng địa phương nên không đạt hiệu quả.

Chính quyền đô thị phải được tự chủ, tự quản... ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm việc cùng UBND về mô hình chính quyền đô thị. Ảnh: TỐ NHƯ

Đặc thù mỗi quận, huyện khác nhau nhưng vẫn phải dùng chung cơ cấu bộ máy giống nhau. Điển hình như các quận trung tâm như quận 1 không cần Phòng TN&MT để quản lý đất nhưng vẫn duy trì nên lãng phí, kém hiệu quả.

Tăng quyền tự quyết về tiền lương và nguồn thu phí.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí nhấn mạnh mô hình chính quyền đô thị mà TP.HCM đề xuất lần này nhằm tăng tính tự chủ, tự quản cho TP đi cùng tăng trách nhiệm để đáp ứng nhu cầu cấp bách về một cơ chế “mềm” phục vụ quản lý, phát triển cho TP.

Trong đó, TP.HCM đề xuất được tự chủ quyết định số lượng biên chế của bộ máy các cấp và chính sách, chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức sao cho đảm bảo trang trải sinh hoạt cá nhân và gia đình để họ thực sự an tâm, hết lòng thực hiện công vụ. Đồng thời, trao quyền cho TP được tạo dựng thêm các nguồn thu mới: Phí phát triển cơ sở hạ tầng, phí đảm bảo chất lượng và vệ sinh môi trường, phí quản lý phương tiện giao thông… và những nguồn thu mới này không bị điều tiết về trung ương trong một thời gian nhất định.

Ngoài ra, TP cũng đề xuất được trao thêm quyền quy định các hành vi xâm phạm trật tự, an toàn, văn minh đô thị phát sinh mới (chưa có văn bản luật quy định là vi phạm hành chính) và quy định mức xử phạt nhằm tăng cường giáo dục, răn đe.

Tăng vai trò người đứng đầu

Hiện TP đang thực hiện thí điểm “không tổ chức HĐND quận, huyện, phường” nên chỉ còn HĐND hai cấp (HĐND TP và HĐND xã). Theo mô hình đề xuất thì TP.HCM sẽ chỉ tổ chức duy nhất một cấp HĐND TP là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; quyết nghị những vấn đề quan trọng của TP và giám sát việc thực hiện pháp luật, hoạt động của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn.

Để thực hiện hiệu quả vai trò đại diện cho tiếng nói cử tri và tăng cường hoạt động giám sát, tổ đại biểu HĐND TP sẽ lập văn phòng tiếp cử tri tại trụ sở UBND các quận, huyện hoặc trụ sở Ủy ban MTTQ và bố trí nhân sự ghi nhận, tổng hợp ý kiến của cử tri.

Kiến nghị trọng tâm sẽ tập trung vào việc chuyển đổi hệ thống UBND các cấp thành Ủy ban Hành chính (UBHC), đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu là chủ tịch UBHC. Nhưng riêng UBND TP có thể vẫn giữ nguyên tên gọi cũ vì do HĐND TP bầu ra. Thẩm quyền, trách nhiệm giữa tập thể UBHC và chủ tịch UBHC cũng được phân định rõ theo hướng: UBHC thảo luận tập thể và ban hành nghị quyết, còn chủ tịch UBHC ban hành các quyết định.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm