THẢO LUẬN DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Chưa rõ phân công và kiểm soát quyền lực

Ngày 6-11, QH thảo luận tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992. Từ 147 điều của HP hiện tại, dự thảo HP sửa đổi chỉ còn 126 điều, trong đó chỉ có 14 điều được giữ nguyên gốc, không chỉnh sửa.

Đề cao quyền con người

Đại biểu (ĐB) Dương Trung Quốc, thành viên Ban Biên tập sửa đổi HP, cho biết ông được phân công dự thảo Lời nói đầu. Tham gia việc này điều ông đau đáu nhất là làm sao đưa giá trị của HP 1946, “bản HP đánh dấu sự thay đổi vận mệnh của dân tộc Việt Nam” - theo lời ông, vào dự thảo HP mới.

“Từ đó đến nay, lần lượt HP 1959, 1980, rồi 1992 ra đời. Thay vì chứa đựng các giá trị phổ quát, các bản HP này pháp định hóa nghị quyết của Đảng, bám theo thực tiễn cách mạng. Mà thực tiễn lại biến đổi không ngừng nên tuổi đời của mỗi đạo luật gốc ấy trở nên ngắn ngủi, phải sửa đổi liên tục” - ông Quốc nhận xét.

Cũng tham gia vào Ban Biên tập, ĐB Trần Văn Độ, Phó Chánh án TAND Tối cao, nhận xét nội dung sửa đổi lớn nhất lần này là về quyền con người. “Nội dung này, HP 1992 đặt ở Chương V - về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nay dự thảo dời lên Chương II, chỉ sau Chương I về chế độ chính trị. Tiêu đề cũng thay đổi, bổ sung thành tố “quyền con người” gắn trước “quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”” - ông Độ phân tích.

Chưa rõ phân công và kiểm soát quyền lực ảnh 1

Các đại biểu Thanh Hóa trao đổi bên lề về sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: QUỲNH NHƯ

Một số sửa đổi khác cũng được thể hiện trong dự thảo, như bổ sung yếu tố “kiểm soát” quyền lực, gắn liền với “phân công, phối hợp” giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Kỹ thuật lập hiến cũng tốt hơn, giúp cho bản HP bớt đi những quy định quá chi tiết đáng lẽ dành cho các luật chuyên ngành.

Chưa thực sự rạch ròi

Tuy nhiên, ở Chương IV - bảo vệ Tổ quốc, ĐB Trần Văn Độ - người đang giữ hàm trung tướng quân đội - không tán thành việc gắn cụm từ XHCN vào câu “bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân”. Ông phân tích: “Tổ quốc, đất nước, Nhà nước là các khái niệm hoàn toàn khác nhau. Đưa yếu tố ấy vào thì khó phát huy sức mạnh thời đại, đoàn kết dân tộc, trong và ngoài nước, sức mạnh quốc tế vào công cuộc bảo vệ đất nước”.

Về các nội dung liên quan đến phân công, phối hợp thực hiện quyền lực nhà nước, ông Độ cho rằng chưa thực sự rạch ròi. Bất cập này ở HP 1992 khiến cho Chính phủ “lấn sân” lập pháp khi ban hành các nghị định liên quan trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ công dân - mà lẽ ra phải điều chỉnh bằng luật do QH ban hành. Tương tự, Chính phủ vẫn làm nhiều việc mà về lý luận lẽ ra phải thuộc chức năng của tư pháp. Chẳng hạn, xử phạt vi phạm hành chính vẫn do các cơ quan hành pháp như công an, thanh tra thực hiện, trong khi ở các nước, lực lượng hành pháp chỉ lập biên bản, còn tuyên phạt là do tòa án.

“Vừa qua chúng ta đã bàn, thấy cũng cần chuyển dần về cho tòa án. Nhưng lại băn khoăn thẩm phán đâu cho đủ. Xin thưa, thẩm phán cả nước chỉ bằng quân số Phòng CSGT Hà Nội” - ông Độ nói tiếp và lưu ý “cải cách thì khó khăn nhưng không làm thì lùng nhùng mãi thế”.

Chưa thực hiện phúc quyết

HP được coi là luật gốc mà qua đó nhân dân ủy quyền cho các nhánh quyền lực thực thi quyền lực nhà nước. Vấn đề đặt ra là cơ chế ủy quyền đó nên được thực hiện thế nào? Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường - thành viên Ủy ban Dự thảo HP sửa đổi - cho biết hiện có hai phương án.

Theo phương án một, được áp dụng ngay cho lần sửa đổi này, người dân chỉ tham gia ý kiến vào dự thảo HP. Sau khi hoàn tất, QH sẽ thảo luận lần cuối cùng và quyết định thông qua. Trình tự này là nhân dân thực thi quyền lực gián tiếp thông qua 498 ĐBQH.

Phương án hai, theo ông Cường có thể áp dụng cho những lần sửa đổi sau. Theo đó, dự thảo HP vẫn do QH chuẩn bị, soạn thảo và thông qua. Tuy nhiên, bản HP ấy sẽ chỉ có hiệu lực sau khi được dân phúc quyết - giống như tinh thần HP 1946. “Nếu dân đồng ý thì được. Còn chưa đồng ý thì có nghĩa QH chưa thể hiện hết ý chí, nguyện vọng của dân. QH phải làm lại” - ông Cường nói.

Với phương án này, kèm theo sẽ phải có hội đồng HP để bảo vệ HP. “Cái này Trung ương bàn nhiều, Đảng đoàn QH tâm đắc lắm… nhưng lần này lại không có trong dự thảo” - ông Cường cho hay.

Sẽ có luật về Chủ tịch nước

Ngày 6-11, trao đổi với báo chí bên hành lang QH về dự thảo sửa đổi HP1992, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết:

+ Khi tổng kết 20 năm đổi mới, Đại hội Đảng lần thứ X đã đưa ra ý quan trọng là quyền lực không bị kiểm soát thì quyền lực dễ bị tha hóa và quyền lực phải được kiểm soát bằng quyền lực thì mới hiệu quả. Thế nhưng ở trong dự thảo HP sửa đổi lần này chưa làm rõ được điều trên.

. Việc tăng thẩm quyền hay nói đúng hơn là làm rõ thẩm quyền của Chủ tịch nước trong dự thảo HP sửa đổi lần này có phải để hướng đến việc kiểm soát quyền lực bằng quyền lực?

+ Không phải như vậy. Chúng ta đang thiết kế theo mô hình của nhiều nước, theo đó Chủ tịch nước không phải là người đứng đầu hành pháp mà là nhân vật chính trị trung tâm để đứng ra điều hòa, phối hợp giữa ba nhánh quyền lực là hành pháp, lập pháp và tư pháp. Cái này khác với năm 1946 Chủ tịch nước là người đứng đầu hành pháp.

Nếu theo hướng mà dự thảo HP đặt ra thì sắp tới chúng ta sẽ phải có luật về Chủ tịch nước để thực hiện các quyền đó.

. Vậy có cần cơ chế để Chính phủ kiểm soát lại quyền lực của các cơ quan khác?

+ Đúng là theo HP, Chính phủ (CP) chưa có cơ chế để kiểm soát lại. Ví dụ hiện nay CP trình 90% các dự án luật nhưng khi CP trình xong thì việc tiếp thu chỉnh lý lại do Ủy ban Thường vụ QH chủ trì... Do đó, có thể tăng quyền cho CP bằng cách khi QH biểu quyết thông qua luật thì CP có thể đề nghị chưa thông qua luật này. Bởi lý do là khi CP trình chính sách khác, nay sau khi QH chỉnh lý thì chính sách lại khác rồi mà CP lại là cơ quan chịu trách nhiệm thi hành luật đó.

Ngoài ra, hiện nay CP chưa có quyền gì với tòa án. Ở các nước khi chế định hội đồng tư pháp quốc gia thì CP cũng là người đề nghị bổ nhiệm thẩm phán. Qua đó CP mới kiểm soát lại được hoạt động của tòa án. Còn chúng ta đang thiết kế một cách khập khiễng chưa đầy đủ theo thiết chế kiểm soát lẫn nhau được đề cập trong nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

THÀNH VĂN ghi

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm