Công nhân quay lưng vì bị đối xử tệ

LTS: Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp sau tết, các doanh nghiệp ở TP.HCM lại nháo nhào đi lùng công nhân. Năm nay tình trạng thiếu hụt công nhân cũng lên đến mức báo động và có khả năng còn kéo dài.

Pháp Luật TP.HCM trân trọng giới thiệu bài viết của PGS-TS Nguyễn Minh Hòa lý giải về hiện tượng bất thường này.

Trước đây, chuyện khan hiếm lao động sau tết chủ yếu do công nhân nán lại ở quê ăn tết nhưng năm nay có vẻ khác. Đến mức có doanh nghiệp (DN) đã đánh tiếng xin nhập khẩu lao động phổ thông từ Lào và Philippines, điều chưa từng có ở Việt Nam sau 1975.

Nước ngoài: Công nhân coi xưởng là nhà

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đã có dịp khảo sát hai khu công nghiệp Cao Hùng (Đài loan) và Massan (Hàn Quốc). Điều đọng lại trong tôi là công nhân ở đây rất gắn bó với chủ DN. Họ coi DN như nhà mình nên làm việc rất trách nhiệm, với ý thức “ăn cây nào rào cây nấy”. Họ đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến, sẵn sàng chia sẻ với chủ những khó khăn. Họ cống hiến cả đời cho chỉ một DN cho đến lúc về hưu và không hiếm gia đình có ba, bốn đời gắn bó chỉ với một công ty.

Công nhân quay lưng vì bị đối xử tệ ảnh 1

Lương thấp, ăn uống kham khổ, điều kiện làm việc tệ... khiến nhiều công nhân không gắn bó lâu dài với nhà máy. Ảnh minh họa: HTD

Sở dĩ như vậy là do công nhân ở đây rất được giới chủ coi trọng. Họ được trả một mức lương tương xứng, được tạo điều kiện về nơi ở, con cái được học hành tử tế. Khi gia đình có người ốm đau, mất mát, họ đều được hỏi thăm, hỗ trợ; ngày sinh nhật, họ được chủ đến tặng quà, chúc mừng; hằng năm họ được đi nghỉ dưỡng…

Một chân lý hiển nhiên mà chủ DN nào cũng hiểu là nếu không có công nhân thì không có lợi nhuận, không có nhà máy và không có gì hết. Quan hệ của chủ và công nhân là cùng tôn trọng nhau, cùng làm việc và cùng hưởng lợi. Cố nhiên, do chủ là người bỏ vốn và tổ chức sản xuất nên phần của họ đương nhiên phải nhiều hơn (đừng cho đó là bóc lột).

Trong sản xuất, kinh doanh thế nào cũng có rủi ro nhưng ở họ hiếm có chuyện vì khó khăn nhất thời mà DN hắt hủi công nhân, nếu công nhân phải nghỉ thì vẫn được đền bù thỏa đáng. Nên ở họ không có chuyện công nhân quay lưng lại với DN nhẹ nhàng như ở ta.

Ở ta: Công nhân là… công cụ

Quay trở lại với các DN ở Việt Nam, từ khi TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp, hàng trăm ngàn thanh niên bỏ ruộng vườn đổ về đây tìm kiếm cơ hội. Lẽ ra các DN phải quý trọng lực lượng vàng này nhưng họ lại tỏ ra rất coi thường, nhất là lúc ăn nên làm ra. Nhiều chủ DN tuyên bố “không sợ đình công, không sợ lãn công”, bởi họ nghĩ lúc nào cũng có hàng trăm người chờ xin việc ngoài cửa. Họ không cần quan tâm đến nơi ăn chốn ở, đến điều kiện sinh hoạt và đời sống tinh thần của công nhân. Không ít DN coi công nhân như “công cụ biết nói”, chỉ biết khai thác mà chẳng biết bồi đắp.

Tôi từng khảo sát đời sống của công nhân trong các DN Hàn Quốc ở Việt Nam. Thật xót xa khi thấy họ sống trong những căn phòng trọ ọp ẹp, có phòng được cải tạo sơ xịa từ những chuồng heo; thật buồn lòng khi đời sống văn hóa tinh thần của họ nghèo nàn quá sức. Với đồng lương không quá 1,5 triệu đồng/tháng thì 80% trong số họ đang sống dưới ngưỡng nghèo đói (ngưỡng nghèo năm 2008 của UNDP là 1,5 USD/ngày/người).

Lương thấp, điều kiện làm việc cực nhọc, ăn uống kham khổ, liên tục tăng ca, tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bị quỵt, thậm chí bị đánh chửi, nhục mạ. Hiển nhiên với cách đối xử như thế thì làm sao công nhân có thể gắn bó với DN được, nên chuyện họ quay lưng là điều không tránh khỏi.

Chớ vội lạc quan!

Có người cho rằng việc công nhân không trở lại TP.HCM bởi các tỉnh đã có khu công nghiệp (KCN). Điều đó có phần đúng nhưng không hoàn toàn. Các KCN của các tỉnh còn rất nhỏ, nhu cầu lao động không nhiều. Ngoài ra, từ lâu TP.HCM có sức hấp dẫn công nhân không chỉ là đồng lương mà còn những chuyện khác như cơ hội học hành, hôn nhân, kết bạn, đời sống văn minh… Việc công nhân không quay lại TP phản ánh một điều: Họ đã bị tổn thương trong một thời gian khá dài, không dễ gì hồi phục ngay được. Nếu DN không nghiêm túc nhìn nhận lại mình thì về lâu về dài, tình trạng này sẽ còn tồi tệ hơn.

Nên nhớ, chỉ khi có đời sống tử tế, công nhân mới trở nên tử tế hơn với DN.

Một vài vị cho rằng đã đến lúc TP phải giảm bớt lao động phổ thông để chuyển sang thu hút lao động bậc cao. Xu hướng ấy là tất yếu nhưng xin chớ vội lạc quan. Thực tiễn cho thấy chuyện này không thể làm ngay một sớm một chiều, vì ở ta mọi chuyện chỉ mới còn trong giai đoạn khởi thủy. Phải 10 năm nữa ta mới nói đến chuyện đó nên lao động phổ thông hiện vẫn rất cần, dù tỉ lệ có giảm.

Do vậy, chính quyền cần xem lại chủ trương, chính sách đối với người lao động. Những gì mà lãnh đạo TP làm trong tết vừa qua với công nhân là đáng trân trọng. Một gói quà, một cái bắt tay thật quý nhưng cái họ cần hơn là những quy định pháp lý ràng buộc chủ DN, các cách thức chế tài đủ mạnh để buộc DN phải đảm bảo cho họ. Nếu không làm được điều này thì TP không còn là nơi “đất lành chim đậu”, các KCN khó phát triển mạnh vì nguồn nhân lực cứ mới hoài, không biết bao giờ mới có được đội ngũ công nhân có kinh nghiệm, lành nghề.

“Một lần bất tín, vạn lần bất tin”, lần này dù các DN có hứa hẹn tăng lương thì việc hút công nhân trở lại là điều rất khó. Đó cũng là cái giá rất đắt mà các DN phải trả cho nhận thức, thái độ và hành động của mình trong nhiều năm qua.

Treo thưởng thu hút công nhân

Để khắc phục chuyện công nhân nghỉ tết là nghỉ luôn, Công ty TNHH FAPV (Nhật Bản) đã treo thưởng 800.000 đồng cho người nào quay lại làm việc đúng ngày. Tuy vậy, những ngày sau tết số người quay lại công ty chưa được một nửa. Tương tự, một DN có vốn đầu tư 100% của Hàn Quốc cũng khuyến khích bằng việc lì xì 400.000 đồng cho mỗi nhân viên nhưng họ vẫn thiếu lao động.

(Lao Độngngày 26-2)

Phải chuyển biến mạnh mẽ

Từ nay đến hết năm 2010 phải tạo được chuyển biến thật sự mạnh mẽ và rõ rệt trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân (về nhà ở tại các khu công nghiệp, tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội, nơi sinh hoạt văn hóa, cơ sở nuôi dạy trẻ...) tương xứng với những thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và những đóng góp của công nhân.

(Trích Nghị quyết 20 của Ðảng về giai cấp công nhân)

PGS-TS NGUYỄN MINH HÒA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm